Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm đồng thoại kể về chuyến phiêu lưu của một chú dế mèn trong thế giới các loài vật – trong đó các nhân được nhân cách hoá để có những tính cách, cử chỉ, điệu bộ giống hệt như con người.
Tác phẩm được viết bởi nhà văn Tô Hoài, ban đầu lấy tên là con dế mèn, sau này chuyển thành dế mèn phiêu lưu ký. Đây là tác phẩm đầu tay nhưng cũng là tác phẩm xuất sắc nhất của ông.
Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và từng được đưa vào dạy ở các trường phổ thông ở Việt Nam nên cũng không quá xa lạ với nhiều người. Cho đến nay, dù hàng chục năm đã trôi qua, tác phẩm vẫn giữ được sức sống và chân giá trị.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Dế mèn phiêu lưu ký
Xuyên suốt tác phẩm, nhân vật trung tâm là chú dế mèn, sinh ra đã được trời phú cho một cơ thể cường tráng. Nhưng đi kèm với đó là tính khí hiếu thắng. Trong quá trình phiêu lưu, dế mèn phải trải qua rất nhiều khổ nạn. Từ đó chú học hỏi được rất nhiều bài học, cái “tôi” của chú dần giảm xuống và nhờ đó, chú có thêm được những người bạn tốt.
Trong dế mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài có cài vào đó nhiều thông điệp, nhưng thông điệp lớn nhất có lẽ là thông qua thế giới loài vật, nhà văn muốn gửi gắm khát vọng của con người về một thế giới đại đồng.
Giọng văn của nhà văn Tô Hoài trong dế mèn phiêu lưu ký hóm hỉnh và đậm chất thôn quê Việt Nam. Bên cạnh đó những chi tiết về tập tục sinh hoạt và hành vi của loài vật mà ông đưa vào tác phẩm là rất đắt. Điều đó đòi hỏi một khả năng quan sát tinh tế và lựa chọn kỹ càng.
Trong quá trình trưởng thành, tính cách của dế mèn không phát triển theo đường thẳng mà theo đường gấp khúc, quanh co, khúc khủy.
Lúc gây ra cái chết cho dế choắt, dế mèn đã có được một bài học thích đáng về sự huênh hoang, nhưng bài học đó có vẻ chưa được thấm.
Sau này khi bị lũ trẻ con bắt và bị đem ra để đi chọi với các con vật khác, tính khí hung hăng của dế mèn lại có điều kiện để quay trở lại. Tại thời điểm đó, chúng ta thấy được dế mèn có một tính rất xấu, đó là với kẻ yếu thì hiếp đáp, còn với kẻ mạnh thì lại tỏ ra yếu hèn.
Sau khi bị bác xén tóc dạy cho một bài học nhớ đời, dế mèn đã thay đổi và trở nên trượng nghĩa hơn. Bằng chứng là việc dế mèn đã ra tay giúp đỡ chị trò nâu thoát ra khỏi món nợ với nhà nhện. Rồi sau đó dế mèn còn giúp dế chũi thoát ra khỏi sự truy đuổi của bầy muồm muỗm.
Tuy nhiên khi lạc vào cái cù lao giữa sông cùng với dế chũi, cái tính hiếu thắng, coi thường người khác của dế mèn, một lần nữa lại đẩy dế mèn vào những rắc rối, thậm chí suýt nữa mất mạng.
Nhưng càng về sau, chúng ta càng thấy được dế mèn càng lúc càng bản lĩnh hơn. Không chỉ trở nên dũng cảm, trước mọi sự việc, dế mèn đã không còn vội vàng, hấp tấp và luôn biết nghĩ cho người khác.
Trong dế mèn phiêu lưu ký nhân vật bác xén tóc cũng mang lại cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ. Bác xén tóc từ một con người trượng nghĩa, trải qua khổ nạn, bỗng dưng lại trở nên bạc nhược, chỉ biết sống an phận với những thú vui tầm thường.
Phải đến khi gặp lại dế mèn với cái chí đi để mở mang tầm mắt, bác xén tóc mới một lần nữa thoát ra khỏi vùng an toàn của chính mình để tham gia vào cuộc phiêu lưu cùng các bạn.
Nói chung sự phát triển tính cách của các nhân vật trong dế mèn phiêu lưu ký là khá hợp lý, chân thực và có thể hiểu được.
Trận chiến cuối cùng của những người bạn của dế mèn và dế chũi trong vương quốc kiến đã cho chúng ta thấy trí tưởng tượng tuyệt vời của nhà văn Tô Hoài.
Lý do của chiến tranh là gì? Đôi khi chỉ là một chút hiểu lầm nho nhỏ. Chỉ cần tháo gỡ được nút thắt của sự hiểu lầm ấy thì muôn loài có thể chung sống một cách hòa bình. Thông điệp về hoà bình sẽ được trở đến muôn nơi.
Tác giả Tô Hoài
Tô Hoài, tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920, là một nhà văn Việt Nam. Ông sinh ra ở quê nội huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, trong một gia đình thợ thủ công, tuy nhiên lại lớn lên ở quê ngoại phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông (nay là Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy). Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
Bước vào tuổi thanh niên ông phải làm nhiều việc để kiếm sống, nhưng cũng có khi ông lại thất nghiệp. Khi bước vào địa hạt văn chương ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng với tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký”. Năm 1943 Tô Hoài tham gia hội văn hóa cứu quốc và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Đến năm 1954 ông có nhiều thời gian hơn để tập trung sáng tác các tác phẩm văn học.
Với hơn 60 năm cầm bút, Tô Hoài đã để lại một di sản với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.
19 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...