Tôi là Bê Tô là một cuốn sách, nếu nói vui thì có thể được xếp vào thể loại tự truyện. Nhưng đây không phải là một cuốn tự truyện bình thường. Đây là cuốn tự truyện của một chú cún có tên là Bê Tô.
Cuốn sách được viết bởi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một tác giả nổi tiếng của Việt Nam chuyên viết truyện cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tuy nhiên lần này, ông có một thể nghiệm khác khi viết về một chú cún tinh nghịch. Và thông qua những suy nghĩ của chú cún ấy, ông muốn gửi gắm tới độc giả những triết lý sâu sắc về kiếp nhân sinh. Có lẽ chính vì cách tiếp cận mới mẻ này mà ngay tại thời điểm ra mắt, cuốn sách đã nhanh chóng có được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía độc giả.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Tôi là Bê Tô
Xuyên suốt cuốn sách là những lời tự sự về bản ngã của chú cún Bê Tô. Hãy cứ nghĩ Bê Tô như một đứa trẻ vậy. Không ai có thể phủ nhận bản ngã của một đứa trẻ, một phần nào đó là do di truyền để lại. Nhưng một phần khác lớn hơn, chắc chắn là do môi trường xung quanh quyết định.
Nói chung cách kể chuyện của Nguyễn Nhật Ánh là khá nhẹ nhàng. Cốt truyện cũng tản mạn và không có nhiều cao trào. Tất cả chỉ xoay quanh cuộc sống của một gia đình hết sức bình thường.
Tuy nhiên chính trong cái sự bình thường ấy, chúng ta mới thấy được khả năng quan sát và cách thức khai thác tâm lý của Nguyễn Nhật Ánh là tốt như thế nào.
Bê Tô là tên của chú cún. Nguồn gốc của cái tên này xuất phát từ tình yêu của chị Ni với đội bóng Brazil trong World Cup 1994. Trong đó cầu thủ chị thích nhất là Bebeto. Và như thế chị đã đặt tên cho chú cún yêu của mình là Bê Tô.
Trong cách suy nghĩ của mình, Bê Tô luôn soi xét bản ngã của chính mình với bản ngã của những người xung quanh. Trong thế giới của Bê Tô có sự phân biệt rõ ràng giữa thiện và ác.
Trong gia đình, có chị Ni là người gần gũi nhất với Bê Tô. Chị Ni về cơ bản là một đứa con ngoan. Khi chị đi chơi về nhà muộn bị mẹ đánh đòn, chị lại nhắc đến chuyện ông Bá Du. Chuyện ông Bá Du khi bị mẹ đánh đau thì cười, còn khi mẹ đánh không đau thì khóc. Hỏi ra mới biết, khi mẹ đánh không còn đau nữa nghĩa là sức khoẻ của mẹ đã yếu đi nhiều rồi.
Ba chị Ni là một nhà văn. Ông có thói quen ngồi trước cái computer hàng giờ và lạch cạch gõ bàn phím. Ông chuyển lên sống ở thành phố đã từ rất lâu nhưng bản chất vẫn chất phát như người ở quê. Ông nhân hậu đến mức, ngay cả với một con lợn đất chứa tiền tiết kiệm, ông cũng đối xử với nó như một sinh vật có sinh linh.
Mẹ chị Ni là một người phụ nữ tâm lý. Dịp tết, những người bà con ở quê lên chơi, mẹ chị Ni đã lén thêm tiền vào phong bao lì xì cho lũ trẻ. Đến lúc những người bà con hỏi là sao nhiều thế, ba chị Ni lúc ấy mới ngớ người ra.
Chị Ni vẫn luôn tự hào về bà cố, vì bà cố của chị là người ở cái tuổi xưa nay hiếm. Thỉnh thoảng chị Ni vẫn qua nhà bà cố chơi. Bà cố là người bao dung, bà nói: những con cún mà không nghịch ngợm là những con cún bỏ đi.
Ở nhà bà cố cũng có nuôi một con cún có tính cách hiếu động hệt như Bê Tô, tên nó là Lai Ca. Ngày bà cố mất, Lai Ca buồn đến nỗi bỏ ăn khiến cả gia đình chị Ni phải lo lắng. Chị Ni phải giả vờ là bà cố vẫn đang nói chuyện qua điện thoại, Lai Ca mới tươi tỉnh trở lại.
Bi Nô là chú cún chị Ni mang về nuôi sau Bê Tô một thời gian. Bi Nô có tính cách trái ngược với Bê Tô. Nếu Bê Tô hiếu động, tinh nghịch thì Bi Nô lại trầm tĩnh và suy tư như một triết gia. Bê Tô nghĩ Bi Nô thích nó đơn giản vì nó thích Bi Nô.
Bi Nô hay thích leo lên cầu thang nhưng lại sợ phải leo xuống. Còn Bê Tô lại sợ những cơn mưa tạo ra những tiếng lộp bộp trên mái nhà. Cả hai chú cún đều đồng ý là trong nỗi sợ có một thứ gì đó rất thú vị: sợ nhưng vẫn thích.
Ước mơ của Bi Nô là muốn trở thành chú chó diễn xiếc nhảy qua vòng lửa. Dù sợ độ cao nhưng Bi Nô lại cho rằng việc thực hiện được ước mơ không quan trọng bằng việc chúng ta có cơ hội để trải nghiệm thêm một cuộc đời mới.
Lão Hiếng là hàng xóm với nhà chị Ni. Cả Bê Tô và Bi Nô đều ghét lão bởi lão là kẻ ác, cứ thấy con chó nào trong xóm xuất hiện trước mặt lão là lão lại đá không thương tiếc.
Bi Nô cho rằng, có những người đã chết nhưng vẫn sống trong tâm trí của người đang sống, như bà cố của chị Ni chẳng hạn. Nhưng cũng có những người còn sống mà dường như đã chết, như lão Hiếng độc ác vậy. Và Bê Tô cũng đồng ý với Bi Nô về điều đó…
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại Quảng Nam, Việt Nam. Ông là nhà văn chuyên viết về đề tài tuổi trẻ và được xem là nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam đương đại.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo với nhiều bút danh như Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc… Năm 13 tuổi, ông đã có thơ đăng báo. Năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên “Trước vòng chung kết” đã làm nên tên tuổi của ông trong lòng độc giả . Từ đó ông tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên và gặt hái được rất nhiều thành công.
Nguyễn Nhật Ánh có nhiều tác phẩm được độc giả và giới chuyên môn đánh giá cao, trong đó phần lớn đều đã được chuyển thể thành phim. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể ra như là: Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bê Tô… Truyện của ông thường được tái bản liên tục và chưa bao giờ mất đi sức hấp dẫn đối với những độc giả yêu mến chất văn Nguyễn Nhật Ánh.
29 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...