Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu – Cách Biến Tuổi Trẻ Trở Nên Vô Giá

10 phút đọc

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu là một cuốn sách vô cùng ý nghĩa dành cho những bạn trẻ đang mới chập chững bước đi trên con đường đời, hoặc cũng có thể là cả những người có tuổi đang mất đi phương hướng trong cuộc sống.

Cuốn sách ý nghĩa ở chỗ, nó giúp chúng ta có được những lựa chọn đúng đắn ngay từ khi còn trẻ, hoặc nếu không còn trẻ thì chí ít chúng ta cũng biết được, cuộc đời cần phải sửa đổi từ đâu, để sau này, đời sống không phải hối tiếc với hai từ:”giá như?!”.

Về cơ bản, đây là một cuốn sách truyền cảm hứng một cách mạnh mẽ. Bên cạnh việc truyền cảm hứng cuốn sách cũng có những lời khuyên cụ thể. Nhưng chúng ta cũng chỉ nên xem đó như là những gợi ý mang tính chất tham khảo. Bởi mỗi người chúng ta là một cá thể riêng biệt và hành trình đi từ quá khứ đến hiện tại của mỗi người là khác nhau.

tuoi tre dang gia bao nhieu anh bia

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : “tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”

Xuyên suốt cuốn sách là những trải nghiệm rất thật của tác giả Nguyễn Hoàng Nguyên, từ khi cô còn là một học sinh chuyên văn ham mê đọc sách, cho đến những tháng ngày lãng phí thời giờ ở giảng đường đại học.

Nghĩ như thế không ổn, cô quyết định thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Cô đọc sách trở lại và đi du lịch bụi để khám phá thế giới. Thế rồi nhân duyên này nối tiếp nhân duyên khác đưa cô trở thành một tác giả nổi tiếng, có sức ảnh hưởng rất lớn với giới trẻ.

Lối viết của Nguyễn Hoàng Nguyên thẳng thắn, chân thành. Cô bày tỏ ý kiến của bản thân nhưng vẫn không quên tôn trọng mọi người xung quanh, đồng thời với đó, không đẩy bất cứ vấn đề nào đến mức cực đoan.

nội dung

Khi đọc hết cuốn sách dường như chúng ta có rất nhiều liên tưởng. Chúng ta không thể chặt cây ở một khu rừng, nếu như khu rừng đang chặt không phải là khu rừng chúng ta cần lấy gỗ. Muốn tìm ra đúng khu rừng, chúng ta cần phải ở một nơi rất cao, rất xa (chẳng hạn như một đỉnh núi) để có thể nhìn bao quát.  Đó là lý do vì sao càng tích cực trải nghiệm, chúng ta lại càng có nhiều lựa chọn. Từ đó xác suất để tìm ra được những lựa chọn đúng đắn sẽ tăng lên. 

Khi đã lựa chọn đúng khu rừng rồi, tiếp đó sẽ là lúc chúng ta học cách cưa cây để lấy gỗ. Nếu có 10 tiếng để cưa cây, hãy cố gắng dành ít nhất 7 tiếng để mài sắc lưỡi cưa. Cuộc sống của chúng ta về cơ bản là sự kết hợp giữa tầm nhìn và kỹ năng. Nếu thiếu tầm nhìn chúng ta sẽ lạc lối. Nếu thiếu kỹ năng chúng ta không thể biến tầm nhìn của mình thành hiện thực…

Nói chung cuốn sách được chia ra làm 5 phần và mỗi phần sẽ mang đến những thông điệp khác nhau. Chúng ta sẽ lần lượt đi qua từng phần và tóm lược những ý chính.

Phần 1, “Tôi đã học như thế nào?”. Ở phần này tác giả khuyên chúng ta nên chủ động tự học và đừng quá lệ thuộc vào hệ thống giáo dục. Việc tạo ra thói quen đọc sách là vô cùng cần thiết vì sách là kết tinh tri thức của nhân loại trải qua bao đời. Việc học ở đại học có ưu điểm là giúp chúng ta có được sự học một cách bài bản, nhưng bên cạnh đó, nó có một nhược điểm cố hữu là không thể tạo ra con người chuyên sâu phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Phần 2, “Học đi đôi với hành”. Trong phần này tác giả đưa ra nhiều hướng tiếp cận khác nhau để giúp chúng ta hiểu bản thân và tìm ra thế mạnh của chính mình. Tất nhiên, vì chúng ta còn trẻ nên đây, về cơ bản, chỉ là bước đệm tạm thời trên con đường rất dài phía trước mà thôi…

Phần 3, “Đi cũng là một cách tự học”. Tại sao chúng ta lại phải đi? Thực ra, có đi chúng ta mới có thể mở mang tầm mắt. Từ đó chúng ta mới có thể mở lòng ra để học hỏi những điều hay từ người khác như lời Khổng Tử đã từng nói: “trong ba người đi với ta ắt có một người là thầy ta”.

Hơn thế nữa thông qua việc đi, chúng ta cũng học được cách giải quyết các tình huống bất ngờ, đảm bảo sự an toàn cho mỗi chuyến đi. Và hy vọng rằng trên nhiều những chuyến đi như thế, chúng ta sẽ trưởng thành hơn và tìm thấy niềm đam mê của chính mình.

Phần 4, “Lấp lánh trước khi tỏa sáng”. Khi tìm được đúng đam mê, tiếp theo chúng ta phải làm gì? Theo đuổi đam mê không phải là việc của ngày một ngày hai. Có rất nhiều người tài năng nhưng rốt cuộc vẫn thất bại. Lý do là vì không đủ kỷ luật và kiên trì. Nhiều người đã bỏ cuộc quá sớm trước buổi bình minh của sự thành công tìm đến…

Phần 5, “Quà tặng kèm”. Phần này là những dự đoán trước của tác giả rằng, ai rồi cũng sẽ phải gặp những khủng hoảng trong cuộc đời. Khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cân bằng cuộc sống. 

Tác giả Nguyễn Hoàng Nguyên

Nguyễn Hoàng Nguyên, tên bút danh là Rosie Nguyễn. Cô sinh năm 1987 tại Bình Định, Việt Nam trong một gia đình nhà giáo. Từ nhỏ, Rosie đã có niềm đam mê với việc viết lách. Cấp 3 cô là học sinh chuyên Văn nhưng việc học Văn ở trường khiến cô mệt mỏi và cô quyết định rẽ sang hướng khác khi chọn học Đại học Ngoại thương và trở thành sinh viên chuyên ngành Kinh tế đối ngoại.

Sau 6 năm đi làm kể từ khi tốt nghiệp, Rosie cảm thấy cuộc sống của mình trở nên quá đỗi nhàm chán quanh bốn bức tường. Vì thế cô đã dành thời gian đi du lịch bụi để khám phá những miền đất mới.  Việc du lịch bụi khiến sở thích viết lách quay trở lại với Rosie. Cô thường ghi lại cảm xúc, những gì mình gặp trên đường, những người bạn mới và cả những câu chuyện thú vị, sau mỗi chuyến đi.

Hiện tại công việc chính của Rosie là viết lách tự do. Một số tựa sách nổi tiếng của cô như là: Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Ta ba lô trên đất Á, Mình nói gì khi nói về hạnh phúc, trên hành trình tự học. Bên cạnh vai trò tác giả, Rosie còn đảm nhiệm thêm công việc huấn luyện Yoga. Và về cơ bản, công việc này khiến cuộc sống của cô trở nên cân bằng.

 9 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang