Bỉ vỏ là một cuốn tiểu thuyết ngắn viết về cuộc đời của những tay du thủ, du thực, trộm vặt nơi chợ búa, bến tàu. Đây có thể nói là một chủ đề không mấy nhà văn khai thác, và điều này làm cho cốt truyện của tác phẩm trở nên độc đáo. “Bỉ” ở đây có nghĩa là người đàn bà, còn “Vỏ” có nghĩa là ăn cắp.
Bỉ Vỏ được viết bởi Nguyên Hồng, một nhà văn trải đời từ rất sớm và có sự ưu ái rất lớn dành cho phụ nữ và trẻ em. Một điều đặc biệt ở đây là khi viết nên tác phẩm này, nhà văn khi ấy chỉ mới 16 tuổi.
Tác phẩm được xếp vào hàng những danh tác của Việt Nam thời kì tiền chiến, được đánh giá là một trong những tác phẩm mang trong mình yếu tố hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : “bỉ vỏ”
Xuyên suốt cuốn sách là cuộc đời đầy đau thương của nhân vật Tám Bính. Tám Bính từ một cô gái thôn quê ngoan hiền bị một gã Sở Khanh lừa tình dẫn đến có mang. Vì áp lực từ cha mẹ và định kiến từ xóm làng, cô phải chấp nhận bán con và sau đó phải bỏ lên thành phố để tìm người tình, đồng thời thoát ly khỏi những hình phạt và thương tổn.
Nhưng vừa mới chân ướt, chân ráo bước lên thành phố, cô đã bị cưỡng hiếp, bị vu oan và bị tống vào nhà chứa. Tưởng chừng như cuộc đời cô sẽ mãi mãi bị chôn vùi nơi đây thì tình cờ cô gặp được Năm Sài Gòn, một tay anh chị đứng đầu một nhóm du đãng. Năm Sài Gòn đã kéo Tám Bính ra khỏi vũng lầy nhơ nhớp và cưới cô làm vợ.
Đó là một dấu mốc quan trọng mà kể từ đây, cuộc đời của của Tám Bính gắn liền với cuộc đời Năm Sài Gòn bởi hai chữ “nghĩa” và “tình”. Sống bên Năm Sài Gòn, Tám Bính bắt buộc phải trở thành một “bỉ vỏ”, dù trái tim cô vẫn hướng về một cuộc sống thiện lương. Đó là những mâu thuẫn giằng xé trong lòng cô gái trẻ, đẩy cô đến với những bi kịch không lối thoát.
Giọng văn của Nguyên Hồng trong bỉ vỏ bảng lảng nhưng đầy day dứt. Cách phát triển tâm lý nhân vật hợp lý theo dòng thời gian, có trước – có sau, thể hiện được rõ sự đấu tranh không ngừng nghỉ trong tâm tưởng nhân vật. Bên cạnh đó việc sử dụng các tiếng “lóng” của dân xã hội phần nào cũng làm cho tác phẩm trở nên sinh động và chân thực.
Spoler Alert
Tám Bính mở đầu truyện là một cô gái trẻ, dù tác giả không miêu tả nhiều nhưng chắc hẳn đây phải là một cô gái nhu mì và dễ thương. Cô gái ấy sống trong bối cảnh của một xã hội vẫn còn nhiều những định kiến.
Một cô gái đến tuổi thiếu nữ, yêu đương là một việc vô cùng bình thường. Cơ thể là của cô ấy. Cô ấy trao thân gửi phận cho ai dẫu sao cũng là quyền của cô ấy. Đáng nhẽ trách nhiệm của làng xã đối với một cô gái trẻ là phải khuyên dạy khi sự việc chưa diễn ra, chứ không phải là miệt thị, trách mắng khi mọi sự đã xảy ra rồi.
Ở đây, phải thấy được rằng áp lực đến từ làng xã nơi Tám Bính sống là lớn đến như thế nào, thì một cô gái yếu đuối như Tám Bính mới phải từ bỏ cuộc sống an toàn nơi thôn quê để lên thành phố, với mong muốn tìm được người thương?! Và điều này đã trực tiếp đẩy Tám Bính đến những nỗi tủi nhục trước khi gặp được Năm Sài Gòn.
Năm Sài Gòn về cơ bản, là một người có khí khái anh hùng. Y không sợ những cuộc đâm chém, cũng như không sợ cảnh tù tội. Có thể một người như Năm Sài Gòn nếu sinh ra trong thời loạn lạc, biết đâu lại lập nên những chiến công lừng lẫy?! Nhưng trong câu chuyện, y chỉ là một kẻ ăn cắp. Với lòng dũng cảm trong tính cách, trước mắt Năm Sài Gòn có thể là chỗ dựa vững chắc cho Tám Bính. Nhưng xét về lâu về dài thì điều này không còn đúng nữa. Có hai lý do có thể kể ra.
Thứ nhất, Năm Sài Gòn không phải là người có lòng thấu cảm. Điều này có thể thấy rõ qua việc y gặp được người nào, ăn cắp luôn của người đấy, bất kể hoàn cảnh của người đó ra sao. Mà một khi trong lòng đã không tồn tại sự thấu cảm thì liệu có thể hiểu được những khát khao thầm kín trong lòng Tám Bính???
Thứ hai, Năm Sài Gòn là một người sống theo lối bạt mạng, biết hôm nay chứ không biết ngày mai. Nếu một người biết sống căn cơ thì hôm nay còn kiếm được ra tiền, tiêu gì thì tiêu cũng phải bỏ ra một ít để biết đâu sau này có việc phải dùng tới. Đằng này Năm Sài Gòn lại không thế. Tiền y kiếm được là loại tiền bẩn nhờ lao vào hiểm nguy mà có được. Vậy mà kiếm được bao nhiêu y lại đốt cháy hết vào bài bạc. Như kiểu: tiền có kiếm như nước rồi cũng sẽ trôi hết…
Soi xét nhân vật Năm Sài Gòn dưới góc nhìn của khoa học thì chúng ta có thể thấy chính thói quen của Năm Sài Gòn đã tạo nên số phận của y. Năm Sài Gòn có những thói quen không đổi. Điều này dẫn đến việc, dù hoàn cảnh có thay đổi nhưng những kết quả cũ vẫn cứ lặp đi lặp lại và bám riết lấy cuộc đời y. Những thói quen này là những chương trình chạy ngầm trong tâm trí và rất khó để thay đổi. Và chính những thói quen này đã liên đới đẩy Tám Bính đến với một kết cục bi thảm: sống cũng không được, mà chết cũng không xong…
Tác giả Nguyên Hồng
Nguyên Hồng sinh năm 1918 tại Nam Định, trong một gia đình có bố là đề lao và mẹ là một người phụ nữ tảo tần, hy sinh. Bố mẹ ông không lấy nhau vì tình yêu. Sau này bố ông mất việc, hoàn cảnh gia đình trở nên sa sút. Năm ông 12 tuổi, bố ông mất, mẹ ông đi thêm bước nữa. Ông phải sống nhờ bà nội một thời gian và phải trải qua một thời niên thiếu đầy cơ cực.
Nguyên Hồng ham thích đọc sách từ nhỏ. Trong các cuốn sách ông đã đọc, ông thường yêu thích các nhân vật có tính cách ngang tàng, khí phách. Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn “linh hồn” đăng trên tiểu thuyết thứ 7. Đến năm 1937 ông gây tiếng vang với tiểu thuyết “Bỉ Vỏ”. Sau cách mạng tháng 8 ông tiếp tục sáng tác với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Bước đường cùng”, “Mười năm”, “Điêu tàn”, “Mọc”, “Cửa biển”, “Nhà”, “Bão tố”
Nguyên Hồng là một nhà văn có tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Ông luôn dành cho những người nghèo khổ, bất hạnh một sự đồng cảm và trân trọng. Ông mất ngày 2 tháng 5 năm 1982 tại Bắc Giang. Là một nhà văn lớn của Việt Nam thế kỷ XX, ông được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
149 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...