Luật Hấp Dẫn – Những Bài Giảng Của Sứ Giả Tinh Thần Abraham

11 phút đọc

Luật hấp dẫn là một cuốn sách viết về mối quan hệ qua lại giữa thế giới tinh thần bên trong và đời sống vật chất bên ngoài của mỗi một con người trong vũ trụ.

Đây là một cuốn sách, về cơ bản, có sử dụng các kỹ thuật giống với cách tiếp cận của các tôn giáo. Tức là cố gắng đạt được mục đích thông qua việc kiểm soát những suy nghĩ ở trong tâm tưởng. Tuy nhiên sự khác nhau ở đây là ở chỗ, trong khi các tôn giáo hướng tới sự hướng thượng, cứu rỗi và giải thoát thì cuốn sách này lại hướng con người tới sự thịnh vượng trong đời sống thế tục.

Cuốn sách được viết bởi Esther Hicks vào những năm 1980 và là một trong số những cuốn sách đầu tiên viết về luật hấp dẫn. Cuốn sách ra đời trong những lần trải nghiệm tâm linh hết sức thần bí của tác giả.

luat hap dan anh bia

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : “luật hấp dẫn”

Xuyên suốt cuốn sách là bối cảnh của Esther Hicks bị nhập hồn bởi những sứ giả tinh thần được gọi chung là Abraham, để qua đó, gửi đi những thông điệp và những chỉ dẫn cơ bản về luật vũ trụ. 3 luật vũ trụ được đề cập đến trong toàn bộ cuốn sách bao gồm: luật hấp dẫn, luật sáng tạo có chủ ý và luật thuận theo tự nhiên.

Tư tưởng chủ đạo của cuốn sách đậm chất duy tâm chủ quan khi cho rằng, suy nghĩ của con người quyết định tất cả. Con người chỉ cần có một khát khao đủ lớn, rồi sau đó vũ trụ sẽ gửi những lực lượng vật chất cần thiết đến để con người thực hiện những dự định của mình. Tất nhiên đây chỉ là một niềm tin chưa được chứng thực bởi khoa học.

Trên thực tế thế giới vật chất mà chúng ta sống hoạt động khách quan theo luật nhân quả. Việc khát khao một điều gì đó đủ lớn có thể là một nguyên nhân, thậm chí là một nguyên nhân vô cùng quan trọng dẫn đến những kết quả như ý. Nhưng có điều, đó chưa chắc đã là nguyên nhân duy nhất. Sẽ có những nguyên nhân ngẫu nhiên bị ẩn đi mà đôi khi con người không thể nhận biết được bằng mắt thường…

Trong tác phẩm của mình, Esther Hicks hành văn theo lối hỏi đáp giống như phương thức mà triết gia Socrates từng sử dụng. Tuy nhiên trong sách có rất nhiều ý tưởng cứ bị lặp đi lặp lại. Liệu đó có phải là dụng ý của tác giả về một cuốn sách khuyến khích con người phải suy nghĩ thật nhiều đến mức khát khao?!

[ bàn về nội dung ]

Luật hấp dẫn cho rằng, khi con người có một suy nghĩ, nó sẽ tạo ra một rung động. Rung động này được gửi đến vũ trụ. Vũ trụ sẽ ghi nhận rung động này và tùy theo tần số của rung động, vũ trụ sẽ gửi lại người phát ra suy nghĩ những lực lượng vật chất có rung động tương ứng. 

Giả sử con người có một mong muốn. Nếu suy nghĩ tích cực rằng: “mình có thể”, con người sẽ chủ động đi tìm kiếm những giải pháp, từ đó các khó khăn dần dần được tháo gỡ và các kết quả tích cực dần dần hiển lộ. Ngược lại nếu con người suy nghĩ tiêu cực rằng: “mình có thể, nhưng…”, thì các khó khăn sẽ chi phối tâm trí của con người, từ đó các kết quả tiêu cực sẽ tìm đến như một hệ quả tất yếu. Thông thường, con người khi không biết về luật hấp dẫn, hay để suy nghĩ lang thang vô định và để cuộc đời mất đi sự kiểm soát.

Luật sáng tạo có chủ ý cho rằng con người có quyền năng lựa chọn và tự tạo ra trải nghiệm cho chính mình. Để có thể biết bản thân mong muốn gì bằng việc xem xét các suy nghĩ là một việc rất khó, vì các suy nghĩ của con người đôi khi lại tự mâu thuẫn với nhau. Có một cách đơn giản hơn, là lấy bản thân làm trung tâm và suy xét những trải nghiệm: trải nghiệm nào làm cho bản thân cảm thấy thoải mái là trải nghiệm đúng, ngược lại là sai.

Để đạt được điều con người mong muốn, con người cần thỏa mãn hai vế của phương trình:  suy nghĩ tích cực cộng với niềm tin. 

Để suy nghĩ tích cực, định kỳ mỗi ngày con người có thể tạo ra một xưởng sáng tạo suy nghĩ. Con người có thể bước vào trong đó để tạo ra những tưởng tượng của bản thân về những mong muốn mà bản thân muốn có được trong tương lai dựa trên những kinh nghiệm quá khứ. Hãy nhớ rằng khi suy nghĩ đủ nhiều con người sẽ không còn phân biệt được đâu là tưởng tượng và đâu là thực tại.

Để có được niềm tin con người cần viết cụ thể ra giấy mong muốn của bản thân. Sau đó tìm ra những dẫn chứng để khẳng định cho mong muốn đó là hoàn toàn khả thi. Sau đó đem mong muốn của bản thân đi thực hiện, nếu đạt được kết quả tích cực thì điều đó sẽ quay lại củng cố thêm cho niềm tin ban đầu và thu hút thêm những kết quả tích cực mới.

Tuy nhiên, ở đây có một sự thật phải nói ra, đó là thời gian con người sống trên cõi đời là hữu hạn. Kịch bản thuận lợi như đã nói ở trên chỉ xảy ra khi con người “may mắn” lựa chọn được điều mà bản thân mong muốn “phù hợp” với thực tiễn ngay từ đầu. Chứ một con cá lựa chọn leo cây là lẽ sống, thì cả đời nó sẽ mãi mãi là kẻ thất bại…

Luật thuận theo tự nhiên cho rằng con người chỉ có thể kiểm soát được suy nghĩ của bản thân chứ không thể kiểm soát được suy nghĩ của người khác. Đó là lý do mà tại sao con người cần phải “tập trung” vào điều mà bản thân “mong muốn” ở hiện tại và tránh can thiệp vào đời sống của người khác.

Nhưng nếu những điều con người “mong muốn” có được, người khác cũng mong muốn thì sao? Esther Hicks cho rằng thế giới này sẽ có đủ cho tất cả mọi người. Và chỉ cần suy nghĩ tích cực, con người kiểu gì cũng tìm ra giải pháp. Nhưng trên thực tế, liệu điều này có thực sự đúng??? Nên biết rằng trong đời sống không phải ai cũng có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, nếu con người lựa chọn là “không mong muốn gì cả” thì mọi vấn đề đều sẽ trở nên đơn giản…

Tác giả Esther Hicks

Esther Hicks sinh ngày 5 tháng 3 năm 1948 tại bang Utah, Hoa Kỳ. Năm 1968 bà lấy người chồng đầu tiên và sinh ra cô con gái Tracy mà sau này, cô cũng góp phần vào sự nghiệp diễn thuyết của bà. 

Cuộc sống của bà trôi đi khá bình thường cho đến khi bà khi gặp Jerry Hicks lần đầu vào năm 1976. Khi đó Jerry Hicks đã rất thành công trong vai trò đối tác phân phối của công ty Amway, và trước đó ông cũng từng trải qua rất nhiều những công việc như: làm xiếc, viết nhạc… Sau đó 4 năm thì hai người cưới nhau. 

Những năm 1980 hai vợ chồng Esther Hicks và Jerry Hicks bắt đầu tìm hiểu về vấn đề tâm linh: “luật hấp dẫn” thông qua một vài những người “truyền dẫn”. Từ đó họ đã triển khai thành những bài giảng của riêng mình bằng cách: viết sách, mở các buổi hội thảo và đi diễn thuyết khắp nơi trên thế giới. Một số đầu sách của Esther viết chung với chồng có thể kể ra như là: “hỏi và sẽ được trả lời”, “luật hấp dẫn”, “tiền bạc và luật hấp dẫn”… 

 131 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang