Dám Bị Ghét – Khi Niềm Hạnh Phúc Do Bản Thân Lựa Chọn

12 phút đọc

Dám bị ghét là một cuốn sách phát triển bản thân được hai tác giả người Nhật là Kishimi Ichiro và Koga Fumitake viết dựa trên nền tảng của tâm lý học Adler.

Tâm lý học Adler là một trường phái tâm lý học có sức ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt một số tư tưởng cốt lõi của trường phái này cũng đã được kế thừa bởi rất nhiều những tác giả nổi tiếng sau này. Bên cạnh đó, Adler cũng được đánh giá là một trong ba người khổng lồ của ngành tâm lý học hiện đại, bên cạnh Freud và Jung.

Tên gọi của cuốn sách là “Dám bị ghét” có thể khiến nhiều người đọc hiểu nhầm, đây là cuốn sách khuyến khích lối sống khiến người khác khó chịu. Nhưng kỳ thực không phải vậy. Ý tưởng chung của cuốn sách là đưa ra những nguyên tắc để khi con người thực hiện theo những nguyên tắc ấy, sẽ tạo ra được sự nhất quán, trước sau như một. Tuy nhiên trong quá trình thi hành nguyên tắc, nó có thể sẽ đẩy con người đến những hệ quả tất yếu mà con người cần phải có đủ can đảm để đối mặt?!

dam bi ghet anh bia
Năm XB01-2018
Trọng lượng (gr)350
Kích Thước Bao Bì14.5 x 20.5
Số trang333
Hình thứcBìa Mềm

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm] : “dám bị ghét”

Xuyên suốt cuốn sách là cuộc tranh luận không khoan nhượng giữa một bên là chàng thanh niên trẻ tuổi đang mất đi phương hướng trong cuộc đời với một bên là một triết gia từng trải, tĩnh tại và đầy trí tuệ. 

Chàng thanh niên cho rằng thế giới trẻ thơ thật tươi đẹp. Nhưng khi con người trưởng thành, thế giới dường như đã đổi khác, hỗn mang và đầy những trắc trở. Con người có xu hướng tiến về phía trước, nhưng hiện thực cuộc đời như một tảng đá vô hình, luôn có xu hướng kéo ghì đôi chân của chúng ta lại. Thế là mọi cố gắng dường như đều trở nên vô ích. Những giấc mơ thuở thiếu thời đều đã tan vỡ, chỉ còn lại trong lòng là những nỗi đắng cay.

Nhà triết gia lại có một góc nhìn hoàn toàn khác so với chàng trai. Bằng những lý lẽ sắc sảo ông đã chỉ ra rằng: thế giới này kỳ thực vô cùng đơn giản và không hề khó nắm bắt như chàng trai vẫn nghĩ. Vấn đề của chàng trai không đến từ thế giới bên ngoài anh ta sống, mà đến từ chính bên trong bản thân anh ta. 

Đọc “Dám bị ghét” chúng ta có cảm tưởng đây là một tác phẩm thuần về suy tư triết học hơn là một tác phẩm mang tính khoa học, vốn dựa trên những quan sát thống kê. Các ý tưởng được dẫn dắt thông qua các đoạn hội thoại, theo phương thức gợi mở như kiểu: dẫn đường cho con ngựa tới bờ sông, còn việc con ngựa có uống nước sông hay không thì lại là quyền của nó. Tất cả đều là tinh thần của các triết gia Hy Lạp thời cổ đại.

[ bàn về nội dung ]

Chàng trai trẻ tranh luận với triết gia trong suốt năm đêm. Mỗi đêm tương ứng với một chương bàn về một vấn đề nhất định trong đời sống.

Đêm thứ nhất: hãy phủ nhận sang chấn tâm lý. Sang chấn tâm lý là những cảm xúc sâu sắc đã xảy ra trong quá khứ khiến cho con người ở hiện tại rơi vào trạng thái bị đóng khung trong những khuôn mẫu hành vi nhất định.

Nếu như con người bám chấp vào khuôn mẫu, không dám thay đổi để vượt qua những rào cản tâm lý đang tồn tại, số phận con người khi đó sẽ là “tất định”. Tâm lý Adler cho rằng con người có ý chí “tự do” và có đủ khả năng để làm chủ cuộc đời mình. Con người cần có tư duy phát triển chứ không phải tư duy trì trệ, để sống có mục đích hơn.

Đêm thứ hai: mọi phiền muộn đều bắt đầu từ mối quan hệ giữa người với người. Con người về cơ bản thường không hài lòng về bản thân. Vì sao? Rõ ràng điều này khó có thể cắt nghĩa được nguyên nhân bằng những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.

Con người thường không hài lòng về bản thân là do tự mình đặt vào bối cảnh xã hội và so sánh với những người xung quanh. Từ đó dẫn đến hai hệ quả tất yếu. Thứ nhất là tự ti, cảm thấy yếu thế trong các mối quan hệ. Và thứ hai là tự tôn, bám chấp vào những ảo tưởng về bản thân để lấp đầy cảm giác tự ti. Để thoát ra khỏi cảm giác muộn phiền, con người nhất thiết chỉ nên so sánh với chính mình của ngày hôm qua. Vậy là đủ…

Đêm thứ ba: bỏ qua nhiệm vụ của người khác. Mỗi người trong xã hội, về cơ bản đều đảm đương một nhiệm vụ nhất định nào đó. Bởi vậy tâm lý học Adler cho rằng, chúng ta không nên can thiệp vào nhiệm vụ của người khác. Còn khi thực hiện nhiệm vụ của bản thân, chúng ta không cần đến sự thừa nhận từ bên ngoài. Bởi thế giới chúng ta sống nói chung là đa dạng, và mỗi người đều có những quan điểm riêng biệt. Nếu chúng ta cứ cố gắng để làm hài lòng tất cả mọi người, hẳn trong lòng sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

Đêm thứ tư: trung tâm thế giới nằm ở đâu? Con người kỳ thực vô cùng bé nhỏ so với thế gian rộng lớn. Và bất kỳ ai cũng đều phải thuộc về một cộng đồng nào đó. Để có thể cảm nhận được giá trị của bản thân, tâm lý học Adler khuyến khích con người nên sống cống hiến mà không nhất thiết phải hy sinh cho cộng đồng. Đồng thời với đó, trong các mối quan hệ cộng đồng, con người nên đối xử với nhau bình đẳng và ngang hàng.

Những điều này, về cơ bản không hề mâu thuẫn với việc con người không cần đến sự thừa nhận. Bởi khi làm được một việc “hữu dụng” thì niềm vui nội tại tự khắc được sinh ra. Suy cho cùng, đó là lý do hoàn toàn vì bản thân chứ không phải vì người khác. 

Đêm thứ năm: sống hết mình “ngay tại đây, ngay tại lúc này”. Con người về cơ bản là không hoàn hảo và trong đời, có những điều chúng ta có thể thay đổi nhưng có những điều mãi mãi không bao giờ có thể thay đổi. Cuộc sống này vốn chẳng có ý nghĩa gì cả, nếu có chẳng qua là do con người gán cho nó mà thôi. Quá khứ đã qua, tương lai còn chưa tới. Chỉ có hiện tại là có thực. Bởi vậy tâm lý học Adler khuyến khích con người luôn luôn sống trong hiện tại…

Tác giả Kishimi Ichiro 

Kishimi Ichiro là một nhà nghiên cứu triết học người Nhật. Ông sinh năm 1956 tại thành phố Kyoto. Từ khi còn rất nhỏ, khi còn học trung học, Kishimi đã đam mê nghiên cứu triết học Hy Lạp cổ, đặc biệt là trường phái Platonic. Đến tuổi trưởng thành ông từng học tại đại học Kyoto và bảo vệ thành công luận án thạc sĩ triết học tại đây.

Kishimi được cấp chứng chỉ chuyên gia tâm lý bởi hiệp hội tâm lý học Adler, và là một trong số những người tiên phong nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy về tâm lý học Adler ở Nhật Bản. Ông từng là tư vấn viên tâm lý tại bệnh viện Maeda tại Kyoto. Và hiện đang giảng dạy tâm lý học tại trường Meiji ở Suita, Osaka. Ngoài ra Kishimi còn mở một văn phòng tư vấn cá nhân tại Kameoka, Kyoto nơi ông thường xuyên tổ chức các bài giảng về tâm lý học.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “dám bị ghét” được viết cùng với Koga Fumitake, một nhà văn chuyên nghiệp với sở trường là các tác phẩm đối thoại và cũng có mối quan tâm đặc biệt với tâm lý học Adler. Cuốn sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ và nhận được rất nhiều những phản hồi tích cực từ các độc giả khắp nơi trên toàn thế giới.

 118 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang