Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình là một cuốn sách được viết theo lối hư cấu, 8 thực 2 hư dựa trên những sự kiện có thật trong lịch sử toán học thế giới, được tổ hợp, sắp xếp lại với nhau để cuối cùng tạo ra một câu chuyện có cấu trúc thống nhất.
Đối với những nhà chuyên môn về toán thì cuốn sách có thể được xem như là “sách vỡ lòng về triết học của toán học”. Còn đối với những người bình thường, không chuyên về toán, tuy không thể hiểu hết mọi ý tứ sâu xa trong cuốn sách nhưng đây lại là một cuốn sách có thể kích thích niềm yêu thích đối với toán học. Từ yêu thích sẽ dẫn đến tìm hiểu. Từ tìm hiểu sẽ dẫn đến tường minh…
Và như vậy, có thể nói “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” là một cuốn sách phù hợp cho tất cả mọi đối tượng độc giả.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình
Xuyên suốt cuốn sách, là chuyến du hành toán học đầy lý thú. Trong đó Ai, nhân vật chính của câu chuyện, xuất hiện trong một “khoảng không rộng lớn, vô cùng tĩnh lặng, giống như một tiểu vũ trụ trong vắt không một hạt bụi”.
Nhưng trong suốt hành trình của mình, Ai không hề cô độc. Bên cạnh Ai còn có Ky một anh chàng “đeo kính trắng, đầu to, tóc bạc sớm, nụ cười hiền lành” và dế Jim, một chú “dế cụ, đầu gân guốc” có tài búng râu kỳ dị. Và như thế cuộc phiêu lưu toán hiệp được bắt đầu…
Bằng giọng văn ngây thơ, trong sáng cùng với những câu văn gẫy gọn, chuyến du hành được vẽ nên bảng lảng và hết sức nhẹ nhàng.
Các tình tiết nối tiếp nhau dường như truyền đi một thông điệp rằng, toán học nói riêng (hay các sự vật, hiện tượng khác nhau trong đời sống nói chung) đều có khuynh hướng phát triển theo quy luật của phép biện chứng: mâu thuẫn giữa các mặt đối lập chính là nguồn gốc của sự phát triển đi lên.
Tất nhiên các nhân vật trong Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình không thể nhận thức được bản thân đang va đập với nhau để rồi đi lên. Các nhân vật chỉ đơn thuần đi theo tiếng vẫy gọi của con tim:”Hãy cứ khát khao, hãy cứ khờ dại” mà thôi.
Như chúng ta đã biết, toán học, trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của nó, vốn là một môn khoa học về logic có được sự phát triển mạnh mẽ ở phương Tây. Bởi khác với người phương Đông luôn đề cao: “ý tại ngôn ngoại”, người phương Tây luôn “duy lý” và đòi hỏi mọi thứ luôn phải “rạnh ròi”.
Điều này giải thích vì sao các tuyến nhân vật trong “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” đều là các nhân vật đến từ thế giới phương Tây và những cử chỉ, điệu bộ, cách hành xử đều đậm chất văn hoá phương Tây.
Các nhân vật này, nhìn chung đều là những nhân vật đã được xây dựng sẵn và tác giả không phải nhọc công để đi xây dựng lại một lần nữa. Để tạo hình nhân vật tác giả đã vận dụng thủ pháp nói lái. Vì thế các nhân vật vừa mang tính ám chỉ lại vừa không mang tính ám chỉ.
Tính ám chỉ ở đây có nghĩa là tác giả sử dụng các nhân vật có thật, ngoài đời thực hoặc trong các tác phẩm văn học hư cấu. Tính không ám chỉ ở đây có nghĩa là tác giả chỉ dụng ý về nhân vật theo ý kiến chủ quan của bản thân tác giả về nhân vật, chứ chưa hẳn đã là những nhân vật đa chiều, đa sắc diện.
Điều này về cơ bản làm cho dung lượng sách giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên vô hình chung việc này lại làm khó cho những người đọc chưa có đủ phông văn hóa nền. Phụ lục ở cuối sách sẽ là những gợi ý tốt cho những trường hợp như thế…
Phần đầu của cuốn sách khá là khó đọc bởi nó chỉ mang tính chất giới thiệu và những kiến thức mà tác giả có dụng ý đưa vào, dù đã cố gắng mềm hoá nhưng vẫn có vẻ hơi khó tiếp cận với số đông.
Phần thứ hai thì may thay có cốt truyện, có tình tiết và có cả những cao trào khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và thú vị hơn.
Tác giả Ngô Bảo Châu
Ngô Bảo Châu là nhà toán học người Việt Nam. Ông sinh năm 1972 tại Hà Nội và hiện đang là giáo sư tại trường đại học Chicago. Ông nổi tiếng bởi bổ đề Langsland. Nhờ chứng minh được bổ đề này mà năm 2010 ông nhận được giải Fields (một giải thưởng tương đương với Nobel cho toán học).
Ngô Bảo Châu từng hai lần đạt huy chương vàng kỳ thi toán quốc tế IMO vào các năm 1988 và 1989. Năm 1992 ông đi du học Pháp. Sau đó bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1997 dưới sự hướng dẫn của giáo sư Gerad Laumon. Năm 2004 ông được bổ nhiệm làm giáo sư toán học tại trường đại học Paris XI. Trong năm 2008 ông công bố bổ đề cơ bản Langlands.
Cuốn “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” được ông viết chung cùng Nguyễn Phương Văn – một blogger nổi tiếng, tác giả của cuốn tản văn Thời tiết đô thị.
8 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...