Đắc Nhân Tâm là một trong số những cuốn sách hay nhất dạy về cách đối nhân xử thế trong đời sống hàng ngày. Đây là cuốn sách mà đi đâu chúng ta cũng có thể nghe về nó, dù là những lời khen ngợi hay những tiếng chê bai.
Tựa đề tiếng Anh gốc của cuốn sách là “How to win friends and influence people”, được dịch ra tiếng Việt một cách khéo léo và gọn gàng là “Đắc Nhân Tâm” (tức là được lòng người).
Đây là tác phẩm được đánh giá là đi tiên phong trong thể loại này và có sức ảnh hưởng rất lớn, giúp thay đổi cuộc đời đối với hàng triệu người trên toàn thế giới.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Đắc nhân tâm
Xuyên suốt cuốn sách tác giả trình bày chi tiết cặn kẽ các thủ thuật để làm sao đạt được mục đích của bản thân mà vẫn được mọi người yêu quý.
Nguyên lý của Đắc Nhân Tâm về cơ bản là khá đơn giản. Nó dựa trên những hiệu ứng tâm lý cơ bản của con người.
Con người thường thích: được khen, được người khác thừa nhận, được xem là người quan trọng. Con người thường không thích: bị chỉ trích, bị phê bình, bị xem thường…
Những thủ thuật đều được tác giả thống kê và nghiên cứu kỹ lưỡng trong thực tiễn từ những nhân vật có thực nên rất sinh động và có tính ứng dụng rất cao.
Giọng văn trong Đắc Nhân Tâm nhẹ nhàng cách kể chuyện lôi cuốn. Sở dĩ Dale Carnegie có được điều đó là do cách diễn đạt của ông rất khoa học: ông luôn đi từ những nguyên tắc chung nhất sau đó minh hoạ bằng những tình huống cụ thể đầy thuyết phục.
Tuy nhiên với “Đắc Nhân Tâm” nếu đọc không kỹ, áp dụng một cách máy móc, rập khuôn thì rất có thể sẽ dẫn đến sai lầm, từ đó tạo ra những ấn tượng giả tạo với người đối diện.
Để áp dụng đắc nhân tâm một cách hiệu quả và lâu dài thì theo ý kiến chủ quan của bản thân, điểm mấu chốt ở đây là chúng ta phải biết mình, biết người. “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”.
Hãy tưởng tượng thế này. Nếu bạn khen một người dựa trên cái bạn thấy. Nếu lời khen đó vô tình là đúng thì đó là một điều tốt, và bạn nhận được kết quả.
Nhưng nhỡ ra không đúng thì sao? Bởi không phải cái gì chúng ta cũng có thể thấy bằng mắt thường. Người đó khi ấy có thể sẽ tự hỏi, bạn khen họ vì động cơ gì? Liệu bạn có đang lợi dụng họ không??? Và tồi tệ hơn họ có thể sẽ nghĩ, bạn đang nói kháy họ.
Vậy phải làm thế nào để vá lỗi được cho đắc nhân tâm? Phải nói rằng ở đắc nhân tâm chúng ta chỉ thấy được phần ngọn còn muốn thấy được phần gốc rễ chúng ta cần phải có cách tiếp cận khác.
Về cơ bản, giữa hai người bạn “thực sự” luôn luôn có một tài khoản gọi là tài khoản quan hệ. Mỗi ngày chúng ta cứ làm một việc gì đó tốt cho người bạn của mình (động viên, giúp đỡ bằng hành động…), xem như chúng ta gửi vào ngân hàng vậy.
Và khi lâu lâu, tài khoản nhiều lên, thỉnh thoảng chúng ta có thể rút ra để tiêu (chúng ta có thể nhờ bạn giúp đỡ mình khi cần thiết).
Vậy làm thế nào để biết một việc gì đó là tốt cho người bạn của mình. Chỉ có cách lắng nghe, gợi cho bạn mình nói ra những vấn đề của chính họ, chúng ta mới có thể thấu hiểu được họ mà thôi. Điều này cần phải có thời gian…
Khi tiêu trong tài khoản quan hệ, chúng ta cũng đừng nên quá đáng. Đừng bắt người khác phải hy sinh vì mình. Hãy trân trọng sự giúp đỡ của bạn bè trong khả năng có thể của họ. Đó về cơ bản, là tư duy cùng thắng… Hơn thế nữa trong đời sống hãy lựa chọn bạn sao cho “phù hợp” bởi trong cuộc sống, chúng ta cần bạn chứ không cần bè.
Còn với những mối quan hệ xã giao thường ngày, áp dụng các thủ thuật trong đắc nhân tâm cũng không có vấn đề gì.
Chuyện kể rằng thuở bé, Edison bị giáo viên ở trường cho rằng ông không có khả năng học tập. Giáo viên gửi thông điệp này đến mẹ của Edison và khuyên cho Edison thôi học ở trường.
Khi nhận được thông điệp này, mẹ của Edison chỉ lặng lẽ cho Edison nghỉ học và lý do bà đưa ra với Edison là: con là người rất đặc biệt.
Sau này chúng ta đều biết rằng, Edison đã trở thành một nhà doanh nghiệp, một nhà phát minh lớn của nhân loại… Nhưng sẽ ra sao nếu mẹ của Edison nói thật cho ông nghe vào đúng thời điểm mà Edison vẫn còn là một đứa trẻ non nớt??? Liệu khi đó Edison có thể có được niềm tin vào chính mình??? Và khi ấy chắc hẳn nhân loại sẽ mất đi một con người ưu tú.
Thế thì tục ngữ dân gian mới có câu: “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là thế.
Dale Carnegie
Dale Carnegie là nhà văn, nhà thuyết trình nổi tiếng người Mỹ, chuyên gia trong lĩnh vực kỹ năng mềm. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Missouri năm 1888. Thuở thanh niên ông phải làm các công việc lao động chân tay và buôn bán để kiếm sống.
Ước mơ của Dale Carnegie là trở thành một nhà diễn giả. Tuy nhiên, sau khi giành dụm được 500$ từ công việc buôn bán, ông lại quyết định thi vào một trường nghệ thuật diễn xuất. Nhưng nghề diễn xuất có vẻ không phù hợp với ông và ông nhanh chóng thất bại. Sau đó ông quay lại New York, mở một lớp học giảng dạy về cách thuyết trình trước công chúng. Và sự nghiệp truyền bá “kỹ năng mềm” của ông cũng bắt đầu từ đây.
Một số tựa sách nổi tiếng do chính Dale Canegie chắp bút viết có thể kể đến như là: Đắc nhân tâm, quẳng gánh lo đi và vui sống… Trong đó Đắc nhân tâm là cuốn sách thành công nhất. Cho tới khi Dale Carnegie mất, Đắc nhân tâm đã bán được hơn 5 triệu bản và được dịch ra hơn 31 thứ tiếng khác nhau.
1 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...