Bố Già – Người Phán Xử Trong Một Thế Giới Chơi Hệ Luật Rừng

13 phút đọc

Bố già là một tác phẩm kinh điển viết về chủ đề mafia, xoay quanh cuộc đấu trí tranh giành quyền lực giữa ngũ đại gia New York thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ hai. 

Cuốn sách được viết bởi Mario Puzo khi ông đã thiết lập nên cả một thế giới tội phạm ngầm, với những nguyên tắc bất thành văn dùng để thao túng, duy trì và củng cố quyền lực. Tất nhiên khi nói rộng ra thì không chỉ thế giới tội phạm, lịch sử của cả loài người suốt hàng ngàn năm, nói chung, vẫn là những cuộc chiến tranh đổ máu vì sự sống còn. 

Tiêu đề của cuốn sách là “the godfather”, khi dịch sang tiếng Việt là “bố già”. Cách dịch này khá sát nghĩa. Một mặt, theo nghĩa đen, “bố già” hàm ý chỉ một người đàn ông lớn tuổi, hiểu chuyện, được mọi người xung quanh kính trọng. Mặt khác, theo nghĩa bóng, nó còn ám chỉ một ông trùm mafia với tâm kế khó lường, luôn khiến kẻ thù phải khiếp sợ. 

bo gia anh bia
Năm XB2023
Trọng lượng (gr)600
Kích Thước Bao Bì24 x 16 x 3 cm
Số trang652
Hình thứcBìa Mềm

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : “bố già”

Xuyên suốt cuốn sách, cốt truyện lấy quá trình mafia hoá gia đình Corleone làm trung tâm. Vito Corleone sinh ra trên mảnh đất Sicily của nước Ý, nơi mà “người giết người đôi khi chẳng hiểu lý do vì sao”?! Bố của Vito bị giết chết bởi một đám mafia. Còn bản thân Vito thì thì bị chúng truy lùng để diệt trừ hậu họa. Điều đó khiến Vito, khi ấy còn là một đứa trẻ đã phải rời bỏ Sicily để nhập cư vào nước Mỹ.  

Tại New York, Vito và những người bạn cùng dòng máu Sicily của ông là Clemenza, Tessio và Genco đã thiết lập nên một gia tộc Corleone đầy quyền lực, sánh ngang với bốn gia tộc khác ở New York là: Tattaglia, Barzini, Cuneo, và Stracci. 

Mỗi một gia tộc có những mối làm ăn riêng và đều đã thoả thuận với nhau rằng: nước sông không phạm nước giếng. Sau đó một biến cố bất ngờ xảy ra, một vụ làm ăn đã dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các gia tộc. Gia tộc Tattaglia cấu kết với gia tộc Barzini gây hấn với gia tộc Corleone. Từ đây cuộc đấu trí nghẹt thở giữa hai thế lực bắt đầu được khai màn. 

Cốt truyện “Bố già” có các tình tiết vô cùng lôi cuốn được Mario Puzo kể bằng một giọng văn đơn giản, dễ đọc và có trước có sau. Các nhân vật được xây dựng một cách đặc trưng khiến sau khi đọc xong, gấp sách lại, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được tính cách của từng người. Tuy nhiên xét về tính chân thực thì những vụ hành quyết được mô tả có vẻ như quá tàn bạo?!

[bàn về nội dung]

Đầu tiên phải nói đến thời cuộc. Vito bắt đầu khởi nghiệp vào khoảng thời gian chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đó là thời điểm mà ở Mỹ, luật pháp nhập nhằng, trắng đen không rõ ràng. Nhưng như người ta vẫn thường nói, loạn thế tạo anh hùng. Trong số bạn bè Sicily ở New York thời điểm đó thì Vito là người bản lĩnh nhất. Khi cả nhóm bạn của Vito bị tên Fanucci chèn ép quá đáng, Vito đã lập ra một kế hoạch để trừ khử tên này. Sau vụ thanh toán, tên tuổi của Vito tự động nhảy số và bắt đầu có người tìm đến Vito để được bảo kê. Từ đó, theo thời gian, Vito bỗng dưng trở thành một Bố già uy quyền. 

Đế chế của Bố già được điều hành như thế nào? Bố già là một người cẩn trọng, ông không bao giờ bàn chuyện công việc qua điện thoại bởi làm như vậy có thể bị nghe lén. Mọi mệnh lệnh ông đưa ra đều được đưa xuống thuộc cấp thân tín một cách trực tiếp. 

Trong tổ chức của Bố già có hai chức danh vô cùng quan trọng, được lựa chọn kỹ càng. Thứ nhất là Consigliere, là cố vấn cấp cao của Bố già. Consigliere không trực tiếp tham gia vào bất cứ hoạt động bạo lực nào. Trách nhiệm của một Consigliere là phân tích tình hình để từ đó hỗ trợ Bố già đưa ra quyết định. Thứ hai là Caporegime, là đội trưởng chỉ huy những cánh quân, là người trực tiếp tham gia quản lý những hoạt động phi pháp như cờ bạc, bảo kê và thanh toán đối thủ. Các cánh quân này được tổ chức theo kiểu một chuỗi mắt xích từ trên xuống dưới. Khi có bất cứ một mắt xích nào phản bội thì đều dễ dàng để truy ra tung tích. 

Tầm nhìn của Bố già ra sao? Bố già sống trong một môi trường mà mạnh được yếu thua. Và ngay cả khi hoà bình đang diễn ra thì cũng luôn luôn phải chuẩn bị mọi thứ cho chiến tranh. Đó là lý do vì sao để có thể tồn tại và thích nghi, Bố già phải không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Điều này đã quyết định cách thức Bố già sử dụng để đối nhân xử thế.

Đối với gia đình, Bố già xem đó như là hậu phương vững chắc. Những người phụ nữ trong gia đình Corleone không bao giờ phải bận tâm về những hoạt động phi pháp của tổ chức. Thiên chức của họ là làm mẹ, làm vợ như bao người phụ nữ trong các gia đình bình thường khác. Đối với con cái, Bố già thường không can thiệp quá sâu vào đời tư mà luôn luôn cho chúng những khoảng không gian riêng cần thiết, để chúng có thể phát triển một cách tự nhiên. 

Đối với các mối quan hệ trong xã hội thì Bố già luôn luôn phân biệt một cách rạch ròi: một là bạn, hai là thù. Đối với bạn, Bố già sẵn sàng cho đi trước, thậm chí là mua chuộc để có thể nhận được những lợi ích về lâu về dài. Đối với thù, Bố già khiến cho chúng phải khiếp sợ. Thông thường là bằng con đường khủng bố tinh thần. Tuy nhiên, việc phải trừ khử một nhân vật nào đó là một điều vô cùng hy hữu. 

Bố già quyền mưu như thế nào? Khi tên Sollozzo xuất hiện với các phi vụ về ma túy, y đã kích thích lòng tham và gây ra chia rẽ giữa các gia tộc. Tình trạng hoà bình chấm dứt thay thế vào đó là trạng thái chiến tranh. Tên Sollozzo được bật đèn xanh bởi hai gia tộc Barzini và Tattaglia nên đã ra tay mưu sát Bố già, nhưng không thành. Michael, con trai út của Bố già vì cố gắng bảo vệ bố nên đã ra tay sát hại Sollozzo cùng tên đại úy cảnh sát thông đồng với y. Sau vụ thanh trừng, Michael trốn về đảo Sicily để tránh sự truy lùng của cảnh sát. Sony, người con trai cả của Bố già sau đó đã giết chết Bruno, con trai út của gia tộc Tattaglia. Không lâu sau, chính Sony cũng bị phục kích và bị bắn chết. 

Bố già khi đó đã hồi phục. Đó là một thời khắc vô cùng khó khăn đối với Bố già, khi phải đối mặt với nỗi đau mất con. Nhưng Bố già đã “gạt đi tất cả”, chủ động đứng ra để hoà hoãn với những gia tộc còn lại. Sau đó tìm đủ mọi cách chạy chọt để đưa Michael trở về và giao lại toàn bộ đế chế của gia đình Corleone cho Michael. Đây thực chất là một nước cờ nghi binh cao tay bởi thế giới ngầm vốn chỉ sợ cái uy của Bố già chứ chưa hề biết đến cái dũng của Michael. Và khi Bố già mất đi, mọi thứ sau đó đã trở thành lịch sử…

Tác giả Mario Puzo 

Mario Puzo sinh ngày 15 tháng 10 năm 1920 tại khu phố Hell’s Kitchen, Manhattan, New York, trong một gia đình nhập cư người Ý nghèo khó. Cha ông làm công nhân đường sắt, và mẹ ông, Maria, phải một mình nuôi dưỡng bảy người con sau khi cha ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần khi Puzo 12 tuổi. Tuổi thơ của ông trải qua trong môi trường đầy rẫy tội phạm và bạo lực, điều này ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy sáng tác sau này.

Puzo theo học tại Đại học New York và sau đó là Trường Báo chí Columbia. Trong Thế chiến II, ông phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ tại Đức với vai trò nhân viên hành chính do thị lực kém. Dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, ông đã thu thập nhiều tư liệu quý giá từ thời gian làm việc này. Sau chiến tranh, ông làm việc trong ngành xuất bản và viết truyện ngắn để kiếm sống. Niềm đam mê văn chương và mong muốn kể những câu chuyện chân thực về thế giới ngầm mafia đã đưa ông đến với nghề viết văn.

Mario Puzo nổi tiếng nhất với tiểu thuyết “Bố Già” (The Godfather, 1969), nhưng ông còn có nhiều tác phẩm khác như “The Dark Arena” (1955), “The Fortunate Pilgrim” (1965), “The Sicilian” (1984), “The Last Don” (1996) và “Omertà” (2000). Ông cũng là đồng biên kịch của bộ ba phim “The Godfather” do Francis Ford Coppola đạo diễn, giành giải Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc cho cả hai phần đầu tiên. Tác phẩm của ông không chỉ định hình dòng tiểu thuyết mafia hiện đại mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa đại chúng. Mario Puzo qua đời năm 1999, để lại di sản bất hủ trong nền văn học và điện ảnh thế giới.

 233 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang