Chủ nghĩa khắc kỷ là cuốn sách triết học đạo đức viết về chủ đề chế ngự lòng ham muốn. “Khắc” ở đây có nghĩa là “nghiêm khắc” còn “kỷ” ở đây có nghĩa là “bản thân”. Vậy “chủ nghĩa khắc kỷ” ở đây có thể hiểu là nghiêm khắc với bản thân để từ đó có được sự bình thản trong cuộc đời…
Đây là cuốn sách được viết bởi William Irvine. Để hoàn thành cuốn sách, tác giả đã cất công tìm hiểu rất nhiều những triết lý khác nhau, với mong muốn tìm ra phương pháp để chế ngự lòng ham muốn, và cuối cùng dừng lại ở chủ nghĩa khắc kỷ.
Chủ nghĩa khắc kỷ, về cơ bản là một chủ nghĩa đã ra đời tại La Mã cách đây hơn 2500 năm bởi Zeno, và từng đạt được thời hoàng kim dưới sự thực hành của các triết gia lừng lẫy: Seneca, Musonius, Epictetus và Marcus. Nhưng theo thời gian, chủ nghĩa khắc kỷ không thể cạnh tranh với nhiều những triết lý khác (vốn có xu hướng nuông chiều cảm xúc của con người), nên đã mất đi sự thu hút và dần bị quên lãng. Trong cuốn sách này, William Irvine đã làm cho chủ nghĩa khắc kỷ sống lại…
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : “chủ nghĩa khắc kỷ”
Xuyên suốt cuốn sách, William Irvine đi sâu để giải quyết hai vấn đề: Thứ nhất, chủ nghĩa khắc kỷ thực sự là gì? Và thứ hai, ứng dụng chủ nghĩa khắc kỷ trong đời sống như thế nào?
Chủ nghĩa khắc kỷ kỳ thực không phải là lối sống chỉ toàn là “khổ hạnh” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Bắt đầu từ thực tế, cuộc đời con người vốn vô thường: sinh, lão, bệnh, tử, nay hợp mai tan, nay còn mai mất, chẳng có gì là mãi mãi. Với viễn kiến đó, chủ nghĩa khắc kỷ tuy vẫn chấp nhận niềm vui, sự giàu có và danh vọng trong đời sống hiện tại, nhưng luôn luôn đi kèm với đó là thái độ không bám chấp. Bởi bám chấp nghĩa là phụ thuộc, là đặt sự bình thản nội tại của bản thân vào những yếu tố bên ngoài.
Nguyên tắc áp dụng của chủ nghĩa khắc kỷ về cơ bản, phần nào giống với nguyên tắc của việc tiêm vaccine để phòng virus: người ta tiêm một lượng virus “yếu” vào trong máu, từ đó cơ thể có thể tự động tạo ra kháng thể để chống chọi lại với virus, ngay cả khi nó trở nên mạnh hơn.
Nói chung đây là một cuốn sách về triết học nhưng lại khá dễ đọc. Bởi hai lý do. Thứ nhất, những triết lý nêu lên trong cuốn sách liên quan mật thiết với đời sống con người, chứ không phải là thế giới tự nhiên bên ngoài đầy xa lạ. Thứ hai, William Irvine đã thành công trong việc bắc một cây cầu nối những tư tưởng khắc kỷ cổ đại với những ngôn ngữ của hiện đại, để từ đó tạo ra một cuốn sách với văn phong theo kiểu “phát triển bản thân”.
[ bàn về nội dung ]
Đấng tạo hóa tạo ra con người vốn không hoàn hảo. Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, con người không thể bình thản là do lòng ham muốn vô độ. Đấng tạo hoá không thể can thiệp sâu hơn vì không đủ quyền năng. Nhưng đấng tạo hóa đã ban cho con người một công cụ rất mạnh để con người có thể chế ngự lòng ham muốn, đó là “lý trí”.
Với tiên đề như trên thì ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời của một người theo chủ nghĩa khắc kỷ là thực hiện bổn phận. Trong quá trình thực hiện bổn phận, mục tiêu quan trọng nhất đối với người khắc kỷ là hoàn thiện bản thân, để từ đó có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Ngoài mục tiêu này ra, những mục tiêu khác đều là thứ yếu…
#1 Tưởng tượng tiêu cực. Các nhà khắc kỷ khuyên con người nên thường xuyên nghĩ về điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong tương lai. Điều này nghe có vẻ kỳ cục vì đang yên đang lành, ai lại nghĩ đến những điều tồi tệ làm gì cho nhọc lòng? Nhưng các nhà khắc kỷ cũng có những lý lẽ của riêng họ. Các nhà khắc kỷ cho rằng việc tưởng tượng tiêu cực, một mặt giúp con người có thể tiên liệu được các tình huống có thể xảy ra, mặt khác cũng giúp con người biết trân trọng những gì đang có và trở nên ít đòi hỏi…
#2 Lưỡng phân quyền kiểm soát. Các nhà khắc kỷ phân loại mọi sự việc trong đời sống hàng ngày ra làm hai loại: sự việc không thể kiểm soát và sự việc có thể kiểm soát hoặc kiểm soát một phần. Đối với sự việc không thể kiểm soát, con người nên dừng hẳn sự chú tâm, bởi có nghĩ cũng không giải quyết được vấn đề. Đối với sự việc có thể kiểm soát một phần, con người nên chú tâm vào mục tiêu nội tại (bản thân đã cố gắng như thế nào), và ít chú tâm hơn vào mục tiêu ngoại tại (kết quả của sự việc ra sao).
#3 Thuyết vận mệnh. Các nhà khắc kỷ cho rằng quá khứ là những sự việc đã xảy ra và không thể thay đổi. Hiện tại là kết quả tổng hòa của tất cả những sự việc đã xảy ra trong quá khứ, mà ngay tại thời điểm được coi là hiện tại đó, con người đã không còn khả năng can thiệp. Quá khứ và hiện tại phần nào có ảnh hưởng đến tương lai, bên cạnh những yếu tố ngẫu nhiên và cách phản ứng của mỗi người trước hoàn cảnh. Đó là lý do vì sao các nhà khắc kỷ khuyên con người nên chấp nhận hiện tại trong khi vẫn nỗ lực để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn ở tương lai.
#4 Tự tiết chế bản thân. Chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng có một số lạc thú con người cần phải tránh ngay từ đầu bởi khả năng gây nghiện của nó có thể khiến đầu óc con người bị phân tán. Thêm vào đó, chủ nghĩa khắc kỷ cũng khuyến khích việc con người định kỳ trải nghiệm những điều khiến bản thân khó chịu để làm cho nội tâm trở nên mạnh mẽ hơn.
#5 Suy ngẫm. Các nhà khắc kỷ khuyến khích con người nên thường xuyên phân tích các sự việc thông qua việc tự hỏi. Một sự việc xảy ra động cơ là gì? Động cơ đó xuất phát từ đâu, lý trí hay phi lý trí? Bài học rút ra từ những sự việc đó là gì? Lần sau nếu một sự việc xảy ra tương tự thì sẽ xử lý thế nào?…
Chủ nghĩa khắc kỷ, về cơ bản, để thực hành triệt để là rất khó. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: chủ nghĩa khắc kỷ phù hợp với những ai? Như câu thơ của Nguyễn Du “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Con người, theo bản năng, đa phần đều né tránh những gì làm chúng ta khó chịu. Chỉ một số ít những người có nguyện vọng dấn thân vào cuộc đời là sẵn sàng đón nhận chủ nghĩa khắc kỷ, vì họ hiểu được rằng: “trời trao cho ai việc lớn thì trời phải hành hạ người đó”.
Tác giả William Irvine
William Irvine sinh năm 1952 tại Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp tại đại học Michigan và sau đó nhận bằng tiến sĩ triết học tại đại học Brown. Hiện tại ông là giáo sư tại đại học Wright State nơi ông nghiên cứu về triết học cổ đại, đặc biệt là chủ nghĩa khắc kỷ.
William Irvine được đánh giá là một trong những người tiên phong trong việc đưa chủ nghĩa khắc kỷ trở lại với cuộc sống hiện đại. Với tư cách là một tác giả, diễn giả về triết học, ông đã từng viết báo cho các tạp chí uy tín như: Huffing Post, Salon và Time, cũng như tham gia lên hình trên các kênh truyền thông nổi tiếng như BBC để bàn về chủ nghĩa khắc kỷ.
Tác phẩm tiêu biểu nhất sự nghiệp của ông có thể kể ra là: A guide to the good life: the ancient art of stoic joy (tựa đề này được chuyển ngữ sang tiếng Việt là, chủ nghĩa khắc kỷ: phong cách sống bản lĩnh và bình thản), đã giúp nhiều người hiện đại hiểu và áp dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa khắc kỷ vào cuộc sống hàng ngày.
227 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...