Đi tìm lẽ sống là một cuốn sách tâm lý kinh điển viết về đề tài thái độ sống của con người trước những nỗi khổ đau.
Cuốn sách được viết bởi Viktor Frankl, một bác sĩ tâm lý người Do Thái đã từng kinh qua những năm tháng ở trại tập trung của Đức Quốc Xã trong thế chiến thứ II.
Đây là cuốn sách không dài nhưng lại là một cuốn sách vô cùng quan trọng, truyền cảm hứng đến rất nhiều tác giả lớn viết về thái độ sống tích cực sau này. Với tác phẩm này, Viktor Frankl được biết đến nhiều nhất, với tư cách là một người trải qua thảm họa diệt chủng Holocaust và viết sách về nó.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : “đi tìm lẽ sống”
Xuyên suốt cuốn sách là những diễn biến tâm lý của bản thân Viktor và những người tù mà Viktor quan sát được trong suốt thời gian ông sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã.
Diễn biến này trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, khi mới bước vào trại, tâm trạng của người tù đa phần là khá lạc quan. Giai đoạn 2, khi sống trong trại một thời gian, tâm lý của người tù dần trở nên vô cảm thậm chí cũng đã có những người lựa chọn buông xuôi. Giai đoạn thứ 3, những người có thể may mắn sống sót trở về thì lại chẳng biết phải làm gì vì mọi thứ họ từng có trước đây, nay đã mất hết.
Viktor bằng những trải nghiệm trực tiếp của bản thân đã đề ra liệu pháp ý nghĩa để chữa trị cho những trường hợp mất đi lẽ sống trong cuộc đời.
Nói chung ý tưởng của cuốn sách là vô cùng nhân văn, tuy nhiên một phần nào đó, nó có hơi hướng của sự chủ quan. Viktor là một bác sĩ tâm lý có kiến thức. Ông được đặt vào một hoàn cảnh ngặt nghèo, bắt buộc phải sinh tồn. Hơn thế nữa Viktor về bản chất, là một con người thông minh về hiện sinh.
Thế nên chúng ta cũng đừng nên so sánh bản thân với Viktor. Như thông điệp của cuốn sách, hãy hướng đến những giá trị tích cực của cuộc đời. Nhưng nếu chúng ta chưa làm được như vậy thì cũng đừng vì đó mà trách cứ bản thân.
nội dung
Bố cục của cuốn sách được chia ra thành 2 phần rõ rệt. Phần 1 là những ký ức của Viktor ở trại tập trung. Phần 2 là liệu pháp ý nghĩa Viktor đã nghiệm ra khi ông tự vấn chính mình câu hỏi: “tại sao bản thân lại có thể sống sót trở về trong khi những người khác thì không?”.
Với phần 1, chúng ta thấy được điều kiện sống của những người tù ở trại tập trung là khắc nghiệt đến nhường nào. Khi mới đến trại, ngay lập tức đã có những người không còn có cơ hội để sống tiếp. Những người được sống tiếp thì phải bỏ lại hết mọi tư trang, bị cạo trọc và chỉ được giữ lại duy nhất một bộ đồ tù được cấp phát.
Những người tù phải sinh sống trong một không gian chật hẹp và ô nhiễm. Khẩu phần ăn vô cùng eo hẹp, chỉ vài mảnh bánh mì vụn cùng với chút súp loãng, trong khi phải lao động hết sức mệt nhọc và thường xuyên bị đánh đập. Thêm vào đó người tù còn phải chịu sự ám ảnh về tâm lý khi phải chứng kiến cảnh những người bạn tù lần lượt chết ngay trước mắt mình.
Với phần 2, Viktor trình bày về liệu pháp ý nghĩa. Liệu pháp này tóm lược lại gồm có 3 ý chính hướng mỗi người chúng ta tìm lại được những lẽ sống đã mất. Thứ nhất, tìm một việc gì đó để làm. Thứ hai, tìm một mối quan hệ để yêu thương. Và thứ ba, đối mặt với những nỗi khổ đau và tìm ra ý nghĩa trong việc chuyển hóa chúng.
Về cơ bản, chúng ta ít có khả năng thay đổi được hoàn cảnh sống. Và may, rủi là yếu tố mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều phải chấp nhận. Tuy nhiên, dẫu cho chúng ta không thể thay đổi được hoàn cảnh sống đi chăng nữa thì cái mà chúng ta vẫn có thể thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, lại chính là thái độ sống của mỗi chúng ta.
Viktor cho rằng việc ông phải sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, trên thực tế là cơn ác mộng không thể phủ nhận. Sở dĩ Viktor có thể tồn tại được trong một môi trường khắc nghiệt, thậm chí vượt ra khỏi những giới hạn thông thường của con người như vậy, là bởi vì ông có mục đích sống.
Viktor luôn tưởng tượng về ngày mai, về cái ngày ông được ra khỏi trại. Ông sẽ hoàn thành nốt bản thảo cuốn sách mà ông ấp ủ và đi diễn thuyết khắp nơi để truyền cảm hứng về thái độ sống tích cực. Và điều đặc biệt hơn cả là một ngày, ông sẽ lại được gặp lại người vợ thân yêu mà ông vẫn hằng thương nhớ.
“Liệu pháp ý nghĩa” – Logotherapy do Victor Frankl đề xướng hiện nay đã được công nhận rộng rãi là “trường phái thứ ba” của tâm lý trị liệu Vienna, sau trường phái đầu tiên của Sigmund Freud và trường phái thứ hai của Alfred Adler.
Tác giả Viktor Frankl
Viktor Frankl sinh ngày 26 tháng 3 năm 1905 tại Vienna Áo, là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Ông quan tâm đến tâm lý học và triết học từ rất sớm: nghiên cứu triết học và thôi miên năm 15 tuổi, xuất bản bài báo đầu tiên năm 18 tuổi và giảng dạy về ý nghĩa cuộc sống từ năm 22 tuổi. Ngay từ khi còn trẻ, Viktor Frankl đã sớm chịu ảnh hưởng của các nhà tâm lý vĩ đại như: Sigmund Freud hay Alfred Adler.
Năm 1930 Viktor tốt nghiệp y khoa tại đại học Vienna. Ông hoạt động trong ngành y trong suốt hơn 10 năm. Đến năm 1942 ông bị bắt phải chuyển đến các trại tập trung của Đức Quốc Xã trong đó có trại Auschwitz. Năm 1945, phe phát xít thất thủ trước phe đồng minh, sau 3 năm sống ở các trại tập trung, Viktor được thả tự do. Ngày trở về gia đình ông đều chết hết chỉ có mình ông là sống sót.
Trong suốt sự nghiệp của mình Viktor Frankl đã viết hơn 30 cuốn sách, trong đó cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là Man’s search for meaning (đi tìm lẽ sống). Đến năm 1959, sách được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “Man’s Search for Meaning” – “Đi tìm lẽ sống” và trở thành cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới. Nhiều thập kỷ sau, nó vẫn liên tục xuất hiện trong danh sách 100 cuốn sách hàng đầu của Amazon và được Amazon đề xuất là một trong 100 cuốn sách nên đọc trong đời.
15 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...