Hành trình về phương Đông là cuốn sách viết về đề tài tâm linh huyền bí được tác giả Nguyên Phong (giáo sư John Vũ) dịch và phóng tác từ tác phẩm gốc Journey to the East của Thomas Spalding.
Đây là cuốn sách mà nếu một người theo chủ nghĩa duy khoa học, thực sự sẽ rất khó để có thể đọc hết từ đầu đến cuối nếu không có đủ sự kiên nhẫn. Nhưng nếu chúng ta bỏ qua mọi thành kiến và xem những điều được viết trong cuốn sách như là những giả thuyết mở thì đây có thể nói là một cuốn sách thú vị và rất đáng để đọc.
Bởi như Albert Einstein đã từng nói, trí tưởng tượng đôi khi còn quan trọng hơn cả kiến thức. Với kiến thức chúng ta có thể đi từ A đến B. Còn với trí tưởng tượng chúng ta có thể đi từ A đến bất cứ nơi nào.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Hành trình về phương Đông
Xuyên suốt cuốn sách là cuộc hành trình của một đoàn khoa học thuộc hội khoa học hoàng gia Anh đi đến Ấn Độ để tìm hiểu những hiện tượng huyền học.
Tại đây các nhà khoa học đã gặp phải rất nhiều những trò mê tín dị đoan đến từ những kẻ buôn thần bán thánh. Phải đến khi đoàn gặp được người tu sĩ thành Benares thì nhân duyên mới mở ra, cho phép đoàn gặp được những đạo sĩ chân chính với những khả năng “thần thông” phi thường.
Và thông qua những cuộc hội thoại giữa các nhà khoa học với các vị đạo sĩ đắc đạo, những ý nghĩa sâu xa đằng sau những phép màu dường như rất khó để có thể giải thích đó, dần dần được hé lộ.
Nguyên Phong là một nhà khoa học, thế nên lối lập luận và suy diễn của ông trong cuốn sách là logic và có hệ thống.
Tâm linh là một vấn đề rất khó để có thể giải thích bằng ngôn ngữ thông thường, bởi về cơ bản, nó là một cái gì đó cần phải được trải nghiệm dựa trên trực giác chứ không đơn thuần chỉ là tri giác.
Và để có thể nói làm sao cho rõ ý, Nguyên Phong đã sử dụng các hình ảnh trực quan, cụ thể có thể nhận biết được trong đời sống thường ngày để so sánh, liên tưởng tới những hiện tượng tâm linh về bản chất là rất khó để mô tả.
Nhưng vì chưa được chứng minh trên cơ sở của thực nghiệm nên những điều được đề cập đến trong cuốn sách, nói chung chưa có được tính khoa học mà chỉ dừng lại ở địa hạt của niềm tin mà thôi.
Với tiền đề con người chúng ta là một tổng hòa của ba thể, bao gồm: thể xác, thể phách và thể vía thì một số ý tưởng nổi bật trong cuốn sách “hành trình về phương đông” có thể tóm lược ở đây là:
#1 Khi con người còn sống, thể xác và thể phách tồn tại trong không gian ba chiều (được gọi là cõi dương), còn thể vía là cánh cổng của một chiều khác (gọi là cõi âm – hay là chiều tư tưởng). Thể này thường bị đóng lại và chỉ có một số đạo sĩ do tu luyện mới có thể khai mở và giao tiếp được với thế giới cõi âm.
#2 Khi con người chết đi thể xác sẽ dần bị thối rữa, thể phách là những bóng ma lang thang trên các nghĩa địa, rồi theo thời gian cũng tan biến. Con người lúc này chỉ còn lại thể vía. Để có thể thích nghi, thể vía chỉ có một con đường duy nhất là khai mở và tiến vào cõi âm.
#3 Cõi âm bao gồm bảy cảnh giới, phụ thuộc vào sự rung động tư tưởng của linh hồn con người qua nhiều kiếp. Người nào có tư tưởng càng nhẹ nhàng thì lại càng nổi lên những cảnh giới phía trên và chỉ phải chịu rất ít áp lực, ngược lại người nào có tư tưởng càng nặng nề thì lại càng chìm xuống những cảnh giới phía dưới và phải chịu rất nhiều áp lực.
Người ở cảnh giới trên có thể đi xuống cảnh giới phía dưới nhưng chiều ngược lại thì lại là điều không thể.
#4 Ý nghĩa cao nhất của mỗi linh hồn trong đời sống là thoát khỏi luân hồi sinh tử để đi đến cõi siêu nhân loại. Đó là lý do tại sao các vong linh phải chuyển kiếp về lại với cõi dương để “học” những rung động cần thiết, bởi trên thực tế cõi dương là nơi tốt nhất để học các rung động.
Trong trường hợp, vong linh còn luyến tiếc kiếp sống cũ, không chịu chuyển kiếp thì vong linh đó mãi mãi sẽ phải chịu những áp lực trong cảnh giới của mình và không thể siêu thoát.
Tác giả Nguyên Phong
Nguyên Phong tên thật là Vũ Văn Du. Ông sinh năm 1950 trong một gia đình đông con tại Hà Nội. Năm 1968 ông rời Việt Nam để du học Hoa Kỳ và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán.
Hiện tại công việc chính của Nguyên Phong là kỹ sư cao cấp tại Boeing, nơi ông đã gắn bó trong suốt hơn 20 năm. Bên cạnh đó Nguyên Phong còn tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều trường đại học quốc tế danh tiếng ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Ông đứng trong Top 10 người sáng tạo nhất thế giới, mà đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs.
Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về tâm linh huyền bí phương Đông như: Hành Trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Minh Triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết…
8 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...