Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Thế Chân Vạc Tam Quốc Đất An Nam

11 phút đọc

Hoàng Lê Nhất Thống Chí là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ Hán theo lối văn xuôi chương hồi. Nó được viết trong một khoảng thời gian khá dài bởi nhiều tác giả họ Ngô nên tựu trung lại, gọi là Ngô Gia Văn Phái.

Ngay từ cái tựa đề Hoàng Lê Nhất Thống Chí (hay là An Nam Nhất Thống Chí) chúng ta đã có thể thấy được rằng, nhóm người viết ra tác phẩm này chắc hẳn đều phải là những người đàng ngoài (vốn coi dòng dõi vua Lê là chính thống).

Về cơ bản, đây là một tác phẩm cho chúng ta hiểu thêm về một thời kỳ thăng trầm của đất nước trong quá khứ. Một thời kỳ mà diễn ra cả những cuộc nội chiến đẫm máu cũng như những cuộc chiến chống ngoại xâm hào hùng.

hoang le nhat thong chi anh bia

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Hoàng Lê nhất thống chí

Xuyên suốt tác phẩm, các sự kiện phần lớn xoay quanh sự tranh giành quyền lực giữa hai tập đoàn quân phiệt là vua Lê và chúa Trịnh. Những trận chiến giữa quân Nguyễn Tây Sơn với quân Nguyễn Gia Miêu hay giữa quân Nguyễn Tây Sơn với quân Xiêm La không được mô tả ở đây.

Về cơ bản, Hoàng Lê Nhất Thống Chí là một cuốn tiểu thuyết chân thực, tương đối khách quan và có lẽ rất ít hư cấu, giọng văn đều đều và ít lôi cuốn.

Hơn nữa tình tiết của tiểu thuyết diễn ra rất nhanh, một số nhân vật xuất hiện rồi nhanh chóng biến mất, đôi khi các sự kiện diễn ra theo những motif na ná nhau, khiến mạch của câu chuyện trở nên khó theo dõi.

Bố cục tác phẩm gồm có 17 hồi chia làm hai phần. Phần thứ nhất được gọi là chính biên gồm 7 hồi đầu do Ngô Thì Chí viết. Phần thứ hai được gọi là tục biên gồm 10 hồi sau do Ngô Thì Du và Ngô Thì Thuyết viết.

Cuốn tiểu thuyết có bối cảnh khá giống với thời kì Tam Quốc bên Trung Quốc. Với thế chân vạc: đàng ngoài có chúa Trịnh nhiều đời lấn át vua Lê hiệu triệu chư hầu, đằng trong có chúa Nguyễn và sự nổi lên của thế lực nhà Tây Sơn. Trong “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” sự hình thành các thế lực cát cứ ở đằng trong không được nhắc đến nhiều.

Tác phẩm chỉ nói sơ sơ về thân thế của Nguyễn Nhạc, vốn là người bán trầu có giao du với người Thượng. Khi xã hội rối ren Nguyễn Nhạc đã tự xây dựng lực lượng. Sau đó nhờ trá hàng mà chiếm được thành Quy Nhơn. Từ đó mở rộng địa bàn và thành vua một cõi.

Còn Nguyễn Ánh vốn là dòng dõi của chúa Nguyễn Hoàng, nhiều đời khai khẩn đàng trong. Nguyễn Hoàng là con của Nguyễn Kim. Còn Trịnh Kiểm lại lấy con gái của Nguyễn Kim. Nên có thể nói chúa Trịnh đằng ngoài là họ ngoại của chúa Nguyễn ở đằng trong.

Cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng sự kiện nội bộ nhà chúa Trịnh tranh giành quyền lực nên xảy ra nạn kiêu binh. Nguyễn Huệ (với sự tham mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh) đem quân ra Bắc với danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh sau đó trả lại ngôi vị cho vua Lê.

Khi quân Tây Sơn kéo về, Bắc Hà lại loạn. Nguyễn Huệ cho Vũ Văn Nhậm ra dẹp loạn. Vua Lê sau đó vời quân Thanh về đánh nhà Tây Sơn. Nguyễn Huệ khi ấy lập tức lên ngôi hoàng đế đem quân ra Thăng Long, đánh tan 20 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị vào đúng mùng 3 tết Kỷ Dậu 1789. Vua tôi Lê Chiêu Thống phải chạy trốn sang Trung Quốc.

Sau đó tình thế bỗng dưng xoay chuyển khi vua Quang Trung đột ngột băng hà. Nguyễn Ánh đánh ra Thăng Long, nhà Tây Sơn sụp đổ, đất nước thu về một mối. Các triều thần nhà Lê được phép hồi hương. Đất nước lại thái bình sau hàng trăm năm chia cắt và loạn lạc.

Thường thường lịch sử ở phương Đông hay có sự lặp lại. Nguyên nhân do đâu? Đó có lẽ là do lối học từ chương kinh điển đến từ nho giáo. Hậu bối thường lấy những điều cổ nhân đã làm ra để mà làm gương. Điều này chúng ta có thể nhìn thấy được ở các nhân vật trong tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí.

Quang Trung, Nguyễn Huệ là một nhân vật trí dũng song toàn, một thiên tài quân sự, một vị tướng bách chiến thắng, từ tính cách, tài năng đến số phận có nét gì đó rất giống với Đường Thái Tông Lý Thế Dân.

Trong tiểu thuyết có một tình tiết khá thú vị, đó là sau khi Nguyễn Huệ cưới Ngọc Hân về, Nguyễn Huệ có nói với Ngọc Hân bằng một giọng tự đắc, đại ý là: nhà nàng (ý chỉ nhà ngoại Ngọc Hân) có ai danh giá được như nàng? Quả thực một võ tướng nếu không có lòng tự tôn thì làm sao có được cái uy để điều binh khiển tướng.

Trên thực tế lịch sử, các danh sĩ Bắc Hà như là Trần Danh Án rất coi thường Nguyễn Huệ và xem ông như là kẻ man di. Nhưng nếu quả thực ông chỉ là một kẻ võ biền, thô lỗ không hiểu chuyện thì liệu ông có thể có được sự ủng hộ của những nhân vật tầm cỡ như La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp???

Còn Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà” là đáng trách hay đáng thương??? Ở đây phải nói rằng Lê Chiêu Thống là một nhân vật của lịch sử. Ông phải gánh trên vai một trách nhiệm quá lớn, trách nhiệm với tổ tiên, trách nhiệm với nhân dân, trách nhiệm với chính mình. Trong khi ngay từ đầu, thời thế đã chia cho ông những quân bài không tốt.

Thực ra Lê Chiêu Thống dù là vua nhưng dẫu sao ông ta cũng chỉ là một con người. Mà đã là con người thì không tránh khỏi những phút giây yếu đuối… Hơn nữa từ trước đến nay, nước Nam tuy độc lập nhưng vẫn luôn coi Trung Quốc là thiên triều nên việc cầu viện là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Nhân vật cuối cùng, chỉ xuất hiện ở cuối cuốn tiểu thuyết, và cũng ít được nhắc đến nhất nhưng lại là nhân vật quan trọng nhất, đó là Nguyễn Ánh.

Trên thực tế lịch sử, Nguyễn Ánh là một nhân vật có những nét tương đồng với Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông bị Nguyễn Huệ nhiều lần đánh cho tan tác, phải trốn chạy khắp nơi.

Nhưng nhờ sự bền bỉ, biết tận dụng thời cơ, và có lẽ nhờ có được lòng dân (do nhiều đời chúa Nguyễn làm cho nhân dân đàng trong được ấm no), nên cuối cùng ông đã là người làm nên nghiệp lớn, thu dọn tàn cuộc và hưởng trọn mọi thành tựu mà hoàng đế Quang Trung để lại.

Tác giả Ngô Gia Văn Phái

Ngô gia văn phái là một nhóm các nhà văn Việt Nam, thuộc dòng họ Ngô Thì ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, được thành lập dưới sự đề xướng của Ngô Chi Thất và Ngô Trân (bên cạnh một số dòng họ khác như dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu Hà Tĩnh).

Trong Ngô gia văn phái có 20 tác giả thuộc 9 thế hệ, trải dài trên dưới 200 năm, từ đầu thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ thứ 20.

Dưới ngòi bút của Ngô gia, nhiều mặt của xã hội Việt Nam trải dài qua các triều đại nhà Hậu Lê, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đã được phản ánh một cách trung thực. Tuy nhiên vì nhân sinh quan khác nhau nên giữa các tác phẩm của các tác gia khác nhau thường có sự chênh lệch, không đồng đều.

 10 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang