Kẻ Trộm Sách – Những Lời Thì Thầm Của Một Gã Thần Chết

9 phút đọc

Kẻ trộm sách là một cuốn tiểu thuyết cảm động, lấy bối cảnh thế chiến thứ hai, tại một con phố nhỏ của thành phố Munich nước Đức, được gọi là phố Thiên Đàng.

Đó là vào những năm 40 của thế kỷ XX, thời kỳ mà Hitler làm quốc trưởng và nắm hoàn toàn quyền điều hành nước Đức.

Cuốn sách được viết bởi tác giả người Úc gốc Đức, Markus Zusak, nột tác giả thuộc lớp thế hệ hậu bối, chưa từng trực tiếp trải qua không khí của cuộc chiến. Và như thế phần lớn những gì Markus Zusak viết nên đều nhờ vào trí tưởng tượng. 

ke trom sach anh bia

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Kẻ trộm sách

Xuyên suốt cuốn sách là những ký ức 4 năm ngắn ngủi nhưng đầy sống động của cô bé Liesel Meminger khi trở thành con nuôi của gia đình ông bà Hubermann tại phố Thiên Đàng. Ở đây cô bé có cơ hội được học chữ và trở thành “kẻ trộm sách”.

Lối hành văn của Markus Zusak là độc đáo và lạ lùng đến nỗi, chúng ta chưa từng gặp được ở bất cứ đâu. Mà thực ra nếu có ai viết được giống như vậy thì cũng chỉ là người thứ hai mà thôi.

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất thông qua những lời tự sự của một vị thần chết. Vị thần chết này không hề đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Ông ta là một người có mặt ở mọi nơi và thấu hiểu mọi chuyện.

Nhiệm vụ của ông ta là thu thập linh hồn từ những xác chết và chỉ những ai sắp chết mới nhìn thấy được ông ta. Dĩ nhiên thời kỳ diễn ra câu chuyện, khối lượng công việc mà ông ta phải làm là rất lớn.

Và phải chăng vì “bệnh nghề nghiệp” mà trong ngôn ngữ kể chuyện của ông ta, hành động của các nhân vật dường như có linh hồn ở trong đó?!

Liesel chuyển đến phố Thiên Đàng sau cái chết đầy ám ảnh của đứa em trai, và cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại với người mẹ ruột của cô bé.

Ở phố Thiên Đàng, cô bé có được một gia đình mới với sự yêu thương của vợ chồng Hubermann, dù cho mỗi người thể hiện tình yêu thương với cô bé theo một cách khác nhau. 

Hans Hubermann là người đàn ông nhân hậu. Ông là một thợ sơn nhưng lại biết chữ và biết chơi đàn xếp. Điều này chứng tỏ rằng Hans cũng là một con người có hiểu biết.

Hans Hubermann luôn đối xử dịu dàng với mọi người xung quanh. Ông tốt đến nỗi chính ông cũng tự xem bản thân là một con người vô dụng.

Khi Liesel mới chuyển đến, cô bé thường gặp những cơn ác mộng vào những lúc nửa đêm. Hans Hubermann là người đã luôn ở bên cạnh cô bé trong những thời khắc khó khăn ấy và dạy cho cô bé cách đọc các con chữ. 

Còn Rosa Hubermann thì lại trái ngược hẳn với Hans. Câu cửa miệng của bà mỗi lần gọi tên một ai đó là: “đồ con lợn”. Chính Hans Hubermann cũng phải thừa nhận rằng, ngày xưa, khi ông quen bà thì bà vẫn còn là một phụ nữ hiền thục. Có lẽ cái cuộc sống nhàu nhĩ ở con phố nghèo đưa đẩy, đã khiến người phụ nữ ấy trở nên ác khẩu?!

Nhưng đằng sau cái vẻ ngoài dường như đầy cay nghiệt ấy lại là một tâm hồn phụ nữ tràn ngập yêu thương. Bà luôn chăm nom cho Liesel. Và dù cho hoàn cảnh có khó khăn thế nào đi chăng nữa, thì bà cũng không bao giờ để cho cô bé phải thiếu thốn, cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Max là con một người đồng đội cũ của Hans Hubermann, người đã cứu ông và dạy ông chơi đàn xếp. Anh là một tay đấm gốc Do Thái phải trốn chui, trốn lủi trước sự truy lùng rốt ráo của lính Đức. Anh tìm đến nhà Hubermann để tị nạn. Điều đó mang đến cho gia đình Hubermann những nỗi lo lắng và cả những niềm vui. 

Max là một con người nhạy cảm. Ở ngay dưới tầng hầm nhà Hubermann, anh đã tưởng tượng ra cảnh chính anh đang so găng với quốc trưởng Hitler. Và cũng chính anh là người đã tặng món quà “người lay ngôn ngữ” cho Liesel. Tình cảm của Liesel dành cho Max thực tình rất giống với tình cảm của đứa em gái dành cho một người anh trai. 

Kế bên nhà số 33 phố Thiên Đàng là nhà số 35, nhà của thằng bé Rudy có mái tóc màu vàng chanh. Rudy là thằng bé có cá tính mạnh. Nó yêu thích Jesse Owens, một vận động viên điền kinh và ghét quốc trưởng Hitler. 

Nó là người bạn thân thiết nhất với Liesel cùng Liesel trải qua rất nhiều kỷ niệm. Lúc đi trả đồ giặt ủi, khi đá bóng cùng đám trẻ. Lúc trộm đồ của những người nông dân, khi trộm sách tại nhà ông bà thị trưởng.

Thằng bé có vẻ thích Liesel và nhiều lần đề nghị Liesel hôn nó một cái, nhưng đều bị khước từ. Chỉ đến khi Rudy ra đi mãi mãi, nó mới nhận được nụ hôn muộn màng từ phía Liesel. 

Nói chung ở đời, ai rồi cũng sẽ chết. Liesel cũng vậy. Nhưng cái còn đọng lại mãi mãi với cuộc đời là ngôn ngữ. Ngôn ngữ thật kỳ lạ vì tính hai mặt. Nó vừa có thể đẩy con người vào những cuộc chiến tranh đẫm máu, nhưng cũng có thể hàn gắn những vết thương trong tâm hồn.

Tác giả Markus Zusak

Markus Zusak sinh năm 1975 tại Sydney, Australia, trong một gia đình có 4 người con, Markus là con út có cha mẹ là người gốc Đức và Áo nhập cư. Dù cả cha và mẹ Markus đều không thể sử dụng tiếng Anh khi mới đến Úc nhưng họ luôn khuyến khích các con mình cố gắng sử dụng thành thạo thứ ngôn ngữ này ngay từ khi còn nhỏ.

Zusak bắt đầu viết tiểu thuyết ở tuổi 16. Trước khi trở thành một tác giả chuyên nghiệp, Zusak từng làm thợ sơn nhà, người gác cổng và giáo viên tiếng Anh ở trường trung học trong một thời gian ngắn.

Một số tác phẩm của Markus Zusak đã xuất bản bao gồm: The Underdog, Fighting Ruben Wolfe, When Dogs Cry (còn có tựa là Bắt cô gái), Người đưa tin (hoặc Tôi là người đưa tin) và Kẻ trộm sách. Trong đó cuốn Kẻ trộm sách đã hơn một hơn một thập kỷ nằm trong danh sách bán chạy nhất của New York Times và được dịch sang hơn bốn mươi thứ tiếng – đưa Zusak trở thành một trong những tác giả thành công nhất đi ra khỏi nước Úc.

 8 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang