Khuyến Học – Về Một Nhật Bản Đã Từng Thoát Á Thành Công

11 phút đọc

Khuyến học là một tác phẩm đề cập đến những tư tưởng cốt lõi đã định hình nên tính cách của quốc dân Nhật Bản trong suốt cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân vào thế kỷ XIX.

Cuốn sách được viết bởi Fukuzawa Yukichi, một học giả vô cùng nổi tiếng, được ví như là Voltaire của Nhật Bản, khi đã xây dựng nên một tầm nhìn đi trước thời đại nhằm đưa nền văn minh Nhật Bản lên một tầm cao mới.

Khuyến học, về cơ bản không phải là tác phẩm sâu sắc nhất của Fukuzawa Yukichi. Tuy nhiên đây lại là một cuốn sách có sức ảnh hưởng rất lớn với dân chúng Nhật Bản bởi tính phổ thông của nó. Ước tính dân số Nhật Bản lúc đó là vào khoảng 35 triệu người thì đã có hơn 3 triệu bản của cuốn sách được in ra. Thậm chí cho đến tận ngày nay, nó vẫn được xem là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ người Nhật Bản. 

khuyen hoc anh bia

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : “khuyến học”

Xuyên suốt cuốn sách, vấn đề chủ đạo mà Fukuzawa Yukichi đem ra để bàn luận, đó là: tại sao bất cứ người dân Nhật nào cũng cần phải học?, với câu nói vô cùng kinh điển “trời sinh ra người không đứng trên người, trời sinh ra người không đứng dưới người, tất cả đều do sự học mà ra”. Tầm quan trọng của việc học là ở chỗ, nó giúp người dân Nhật Bản có thể cắt nghĩa được đạo lý (bản chất) ẩn sau mọi sự việc, từ đó mới có thể có được những hành động đúng đắn.

#1 Bất cứ người dân Nhật nào cũng đều phải hiểu rõ quyền lợi của mỗi cá nhân được quy định rõ ràng bởi pháp luật. Từ đó biết được, cái gì mình có quyền và cái gì mình không có quyền xâm phạm.

#2 Mỗi người dân Nhật phải có chí khí độc lập để tự làm giàu cho bản thân, không ỷ lại vào xã hội. Mối quan hệ giữa người dân Nhật và chính quyền Nhật phải là một mối quan hệ hai chiều. Người dân đóng thuế nuôi chính quyền và ngược lại, chính quyền phải có trách nhiệm thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

#3 Trong mối quan hệ với ngoại quốc, người dân Nhật và chính quyền Nhật cần đoàn kết lại với nhau. Sẵn sàng hợp tác cùng có lợi, cũng như sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chính đáng của nước Nhật khi cần thiết.

Cách hành văn của Fukuzawa Yukichi trong “khuyến học” ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Tuy nhiên thái độ của ông có phần gay gắt, thậm chí đôi lúc hơi nặng nề. Đây là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được, bởi ở thời đại mà Fukuzawa Yukichi sống, những ý tưởng ông nêu lên không phải là những điều hiển nhiên, được đa số công nhận.

nội dung 

Vào thế kỷ XIX một số nước ở châu Á do phương thức sản xuất lạc hậu nhưng không tự nhận thức được điều gì đang thực sự diễn ra, nên đã nhanh chóng bị các thế lực phương Tây xâu xé, biến thành những nước thuộc địa hoặc nửa thuộc địa. Trong bối cảnh đó, ở Nhật Bản, chính quyền Mạc Phủ bị thay thế bởi chính quyền Minh Trị, đã đưa ra nhiều chính sách tiến bộ. 

Nhật Bản trước khi cải cách, về cơ bản là một đất nước bốn bề là biển, có ít mối quan hệ qua lại với các nước láng giềng xung quanh. Lịch sử chủ yếu xoay quanh sự tranh giành giữa các thế lực lãnh chúa trong nước. Nền văn hóa Nhật Bản suốt hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng bởi nho giáo đến từ Trung Hoa đại lục.

Trên đất nước Nhật Bản thời Mạc Phủ, người dân Nhật từ khi sinh ra đã bị phân chia theo đẳng cấp, bị tước hết mọi quyền lợi, từ tài sản, nhân phẩm đến cả tính mạng. Vậy mà không ai dám đứng lên để đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân?!

Đến thời Minh Trị, Fukuzawa Yukichi là người đi đầu trong phong trào cải cách. Ông chủ chương duy tân với cách tiếp cận bất bạo động. Ông kêu gọi chính quyền phải trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân. Đồng thời với đó, ông cùng với những người đồng chí của mình đã dịch, viết sách, mở trường học để khai dân trí cho quốc dân Nhật Bản.

Để phát triển Nhật Bản trở nên hùng cường, Fukuzawa cho rằng lối học từ chương kinh điển của nho giáo là không đủ. Quốc dân Nhật Bản cần phải học thêm các môn khoa học một cách thực học, học đi đôi với hành. Từ đó dân chúng mới có đủ khả năng để trực tiếp tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, làm giàu cho đất nước. Bên cạnh đó, Fukuzawa cũng ủng hộ việc loại bỏ các lề thói xấu cố hữu của người Nhật, tiếp thu có “chọn lọc” các tập quán tốt của người phương Tây, từ đó tối đa hóa sức mạnh toàn dân.

Fukuzawa phê phán tư tưởng: “dân chúng không cần phải biết về thế sự, mọi việc cứ để chính quyền lo” của Khổng Tử. Bởi khi dân chúng không biết, dân chúng sẽ sống trong đất nước như một kẻ ở nhờ. Khi ngoại bang nhòm ngó, dân chúng sẽ thờ ơ, thiếu đi trách nhiệm. Điều này vô cùng nguy hiểm cho nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản.

Trên thực tế thì vào thế kỷ XIX, ở Việt Nam cũng có Nguyễn Trường Tộ là người khởi xướng công cuộc khai hoá văn minh nhằm bắt kịp các nước phương Tây. Nhưng những ý tưởng của ông không được thời cuộc lựa chọn. Âu cũng là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”…

Tác giả Fukuzawa Yukichi

Fukuzawa Yukichi sinh ngày 10 tháng 1 năm 1835 tại Osaka, Nhật Bản trong một gia đình võ sĩ cấp thấp. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã được hưởng nền giáo dục nho giáo truyền thống. Sinh trưởng trong chế độ Mạc Phủ, ông nhanh chóng nhận ra sự bất bình đẳng trong xã hội Nhật Bản khi đẳng cấp là do kế thừa chứ không phải do năng lực. 

Đến tuổi trưởng thành, Fukuzawa Yukichi bắt đầu theo ngành Hà Lan học. Ông nhận ra được rằng những kiến thức mà ông học được từ người Hà Lan là rất thực dụng. Tuy nhiên tại thời điểm đó, đế quốc Hà Lan đang trên đà đi xuống. Vậy là Fukuzawa quyết định học thêm cả tiếng Anh. Chính nhờ lý do này mà sau này, chính quyền Mạc Phủ cho phép ông cùng một phái đoàn có cơ hội sang thăm hai nước Anh và Mỹ. Tại đây ông được tận mắt chứng kiến sự vượt trội của nền văn minh phương Tây. Từ đó ông đã đem sở biết của mình về truyền bá cho quốc dân Nhật Bản.

Suốt cuộc đời, Fukuzawa là nhà tư tưởng làm việc không ngừng nghỉ. Tuy vậy ông chưa bao giờ nắm giữ bất cứ một chức vụ quan trọng nào trong chính quyền. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể ra như là: Khuyến học, thoát Á luận, Khái lược văn minh luận, Phúc Ông tự truyện… Fukuzawa mất ngày 3 tháng 2 năm 1901. Ngày nay, để tưởng nhớ công lao của ông, hình ảnh của ông được in trang trọng trên tờ tiền giấy có mệnh giá lớn nhất của Nhật Bản.

 8 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx