Lối sống tối giản của người Nhật là một cuốn sách viết về chủ đề phong cách sống. Đây là cuốn sách được viết bởi Fumio Sasaki, một người Nhật và nó nhanh chóng trở thành trào lưu trong giới trẻ Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới.
Tựa đề của cuốn sách gốc tiếng Nhật có nghĩa là: “Không cần cái gì nữa, tối giản đi mà sống”. Còn khi được xuất bản dưới phiên bản tiếng Anh tựa của nó là: “Goodbye, Things: On Minimalist Living”.
Lối sống tối giản là một thói quen và càng bồi đắp chúng ta lại càng giỏi. Nhưng để hình thành thói quen này chúng ta phải làm từ từ, mỗi ngày một ít.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Lối sống tối giản của người Nhật
Xuyên suốt cuốn sách chúng ta thấy được lối sống tối giản không đơn thuần chỉ là hành động cắt giảm đồ đạc mà vượt lên trên hết, nó còn là một triết lý sống: “tập trung vào những điều quan trọng và bỏ qua những điều ít quan trọng hơn”.
Triết lý này, về cơ bản, có thể áp dụng được rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: quản lý một công ty, thiết kế một sản phẩm, tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, hay duy trì các mối quan hệ trong cuộc sống…
Và tất nhiên, trong trường hợp của cuốn sách này, đó là quản trị đồ đạc trong nhà sao cho đời sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng nhất, ít phải nghĩ ngợi nhất. Từ đó có nhiều thời gian hơn để cảm nhận về hạnh phúc.
Về cơ bản, cách trình bày của Fumio Sasaki là khá sáng sủa. Ngay từ đầu anh đã đưa ra thông điệp chính của cuốn sách, đi kèm với đó là bố cục rõ ràng. Tuy nhiên phần nội dung trọng tâm của cuốn sách bao gồm các quy tắc hành động lại quá nhiều (hơn 50 quy tắc cộng với 15 quy tắc nâng cao), trong khi nội dung mỗi quy tắc lại quá tản mạn. Có thể dụng ý của Sasaki ở đây chỉ đơn thuần là những gợi ý…
Lối sống tối giản của người Nhật đặt vấn đề bằng thực trạng của nước Nhật hiện đại. Tình trạng tự tử quá nhiều. Số vụ tự tử mỗi năm bằng cả số người chết trong một vụ thiên tai nghìn năm mới có một lần (khoảng 25000 người).
Nguyên nhân do đâu? Cuộc sống tiêu thụ đẩy con người vào những stress. Con người bị lạc trong mê cung của cảm xúc: bị kích thích bởi món đồ => mua về => dùng một thời gian => chán => bị kích thích => mua thêm đồ.
Ở đây có hai yếu tố dẫn đến sự kích thích. Một, món đồ đó cho chúng ta sự thoải mái. Hai, món đồ cho chúng ta thể hiện giá trị của bản thân với những người xung quanh.
Tuy nhiên khi mua một món đồ chúng ta cũng sẽ phải trả những cái giá nhất định. Thứ nhất, chúng ta phải kiếm ra nhiều tiền hơn để mua chúng. Thứ hai chúng ta cần không gian để bảo quản chúng. Từ đó, đáng lý ra đồ đạc phải phục vụ chúng ta thì nay chúng lại trở thành ông chủ khiến chúng ta phải lo lắng về chúng.
Vậy ở đây giải pháp là gì? Đó là chỉ giữ lại những gì chúng ta cần, chứ không phải những gì chúng ta muốn. Lối sống này, về cơ bản không phải là mới, bởi trước đây, người Nhật đã có truyền thống thiền đạo. Nhưng theo thời gian lối sống này dần bị lãng quên.
Một số suy nghĩ của bản thân về lối sống tối giản của người Nhật có thể nêu ra ở đây bao gồm:
#1 Ngôi nhà đơn thuần chỉ là nơi để ngủ, nghỉ, tắm giặt, vệ sinh. Chúng ta không cần một ngôi nhà quá rộng với đầy đủ các phòng chức năng như: phòng khách, phòng ăn thậm chí là cả phòng bếp. Nếu muốn tiếp bạn bè, chúng ta có thể đến quán cafe. Nếu muốn ăn, chúng ta có thể ăn ở ngoài hàng. Như vậy có thể tiết kiệm được rất nhiều không gian (mặc dù những điều này có vẻ không hợp lắm với văn hóa Việt Nam).
#2 Về mặc, chúng ta chỉ cần vài bộ thiết kế theo kiểu mà chúng ta ưa thích và mặc đi, mặc lại năm này qua năm khác, cũ, sờn, rách thì có thể mua lại: bớt phải nghĩ vì câu hỏi, xem hôm nay phải mặc gì.
#3 Về các nhu yếu phẩm sinh hoạt thường ngày như: xà phòng, giấy vệ sinh, thuốc men… chúng ta cũng không nên tích trữ nhiều. Dùng bao nhiêu mua bấy nhiêu. Coi các cửa hàng tạp hoá là kho lưu trữ nhu yếu phẩm cho chúng ta.
#4 Sử dụng các món đồ được tích hợp đa chức năng. Ví dụ: smartphone tích hợp trong đó là đồng hồ, lịch, liên lạc, tập thể dục, xem phim, nghe nhạc, chơi game…, hay máy đọc sách có thể tích trữ trong đó là hàng vạn cuốn sách. Trong nhà không duy trì hai đồ vật cùng chức năng. Các đồ vật phải được sắp xếp ở nơi dễ lấy, dễ thấy, dễ tìm. Khi lấy ra ở đâu cần phải trả lại đúng chỗ đó.
#5 Các món đồ chúng ta ưa thích (số này thường không nhiều nhưng lại hay mắc tiền) hãy mua với tâm thái của một người đi thuê chứ không phải là người sở hữu để sau này có thể bán lại hoặc cho thuê. Ngoài ra khi một thứ đồ nào đó quá mắc, chúng ta cũng có thể rủ người mua chung và tiền khi ấy sẽ được chia ra. Đó cũng là một ý tưởng rất hay.
#6 Các món đồ ít sử dụng đến (thậm chí là cả những kỷ vật) đều có thể bỏ đi hoặc bán đi. Khi muốn bỏ hoặc bán đi thì không nên quan tâm đến giá khi mua về.
Tất nhiên, qua cuốn sách điều ai cũng nhận thấy, đó là lối sống tối giản giúp chúng ta trở nên thảnh thơi hơn. Nhưng ở đây có một câu hỏi được đặt ra là: lối sống tối giản đi ngược với chủ nghĩa tiêu dùng. Vậy lối sống tối giản có làm cho nền kinh tế đi xuống?
Bản chất của con người suốt hàng ngàn năm vẫn là lòng ham muốn. Để có thể tối giản triệt để như một thiền sư, liệu mấy người làm được? Chúng ta tìm đến lối sống tối giản khi cuộc sống trở nên mất cân bằng dẫn đến stress.
Khi chúng ta tiêu thụ vật chất một cách hài hoà, chúng ta có lợi, cộng đồng xung quanh chúng ta có lợi, nền kinh tế của chúng ta phát triển không quá nóng, trái đất của chúng ta, về cơ bản cũng bớt áp lực hơn…
Tác giả Fumio Sasaki
Fumio Sasaki sinh ngày 23 tháng 6 năm 1979 tại Taikamatsu, Kagawa, Nhật Bản. Ông là một tác giả sách selfhelp nổi tiếng của Nhật đi theo triết lý của chủ nghĩa tối giản.
Trước khi đạt được lối sống tối giản và có được hạnh phúc, Sasaki ở tuổi 35 cũng từng là một người có lối sống bừa bộn và cô đơn. Một lần do tình cờ, ông đọc được một cuốn sách của “thánh nữ dọn nhà” Marie Kondo, ông bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống của chính mình. Sau khi bỏ đi một số đồ không cần thiết thì cuộc sống của ông bỗng trở nên dễ thở hơn và thời gian dư ra ông dành để tận hưởng cuộc sống.
Để chia sẻ lối sống tối giản tới mọi người trên toàn cầu, ông bắt đầu viết sách và lập ra trang web: https://minimalism.jp. Một số tựa sách nổi tiếng của ông có thể kể ra như là: Goodbye, Things: The New Japanese Minimalism hay Hello, Habits: A Minimalist’s Guide to a Better Life.
3 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...