Người Đua Diều – Ngày Trở Về Lỗi Lầm Và Sự Cứu Chuộc

8 phút đọc

Người đua diều là một cuốn tiểu thuyết đầy thương cảm lấy bối cảnh đất nước Afghanistan những năm cuối thế kỉ XX với nhiều những biến động chính trị xảy ra một cách dồn dập. 

Cuốn sách được viết bởi nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan, Khaled Hosseini khi tác giả này lấy cảm hứng từ truyền thống đua diều vào mùa đông hàng năm của người Afghanistan. 

Đây là cuốn sách đầu tay nhưng cũng là cuốn sách vô cùng thành công của Khaled Hosseini, sau khi được xuất bản lần đầu năm 2003 tại Mỹ. Tuy nhiên ngay tại đất nước Afghanistan, cuốn sách cũng vấp phải không ít những ý kiến trái chiều.

nguoi dua dieu anh bia

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Người đua diều

Xuyên suốt cuốn sách là mối quan hệ kỳ lạ giữa hai người bạn thuở thiếu thời là Amir và Hassan. Hai con người mang hai thân phận trái ngược nhau nhưng lại có một sợi dây vô hình liên kết họ lại với nhau. 

Bước ngoặt của câu chuyện diễn ra vào cuộc đua diều mùa đông năm 1975 khi Hassan bị tấn công tình dục. Và sau đó là những lỗi lầm của Amir đối với Hassan khiến mãi đến sau này, lương tâm của Amir vẫn cảm thấy bị cắn rứt. 

Amir rời Afghanistan để đến Mỹ sau khi chiến tranh nổ ra ở Afghanistan. Tại Mỹ, Amir có một đời sống mới và tưởng chừng như quá khứ đã ngủ yên. Thế nhưng số phận đưa đẩy đã khiến Amir phải quay lại Afghanistan để cứu chuộc lại những lỗi lầm năm xưa.

Giọng văn của Khaled Hosseini trong người đua diều có chút gì đó nhẹ nhàng. Cốt truyện lôi cuốn, và thỉnh thoảng cũng có cả những tình huống cao trào khiến người đọc phải nín thở.

Bố cục của truyện có sự tiếp nối giữa trước và sau. Truyện không có chi tiết thừa. Tất cả được đan cài khiến chúng ta có cảm giác, các nhân vật được đặt ở đó và làm những điều cần phải làm.

Amir, nhân vật chính của câu chuyện là một nhà văn, kể lại cuộc đời của mình bằng ngôi thứ nhất. Amir vốn là người Pashtun, sinh trưởng trong một gia đình quý tộc lâu đời. Ngay từ khi sinh ra, mẹ của Amir đã mất. 

Cha của Amir là Baba, một người đàn ông giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn ở Kabul. Bề ngoài Baba là một con người mạnh mẽ và đầy hào sảng. Nhưng thực chất tâm lý của nhân vật này lại vô cùng phức tạp. Ông ta cũng là con người nên cũng phạm phải những sai lầm. Động lực thúc đẩy những hành động của ông ta có lẽ đến từ danh dự của bản thân ông ta.

Hassan là người bạn thân thiết nhất của Amir.  hai người có thể nói là lớn lên từ một dòng sữa. Trên danh nghĩa, Hassan là con của Ali – một người bạn, một người hầu cận thân tín người Hazara lớn lên cùng Baba. Tuy nhiên thân phận của Hassan lại hết sức đặc biệt, mà chỉ có Baba, ông Ali, chú Rahim và sau này là cả Amir mới biết được sự thật. Thậm chí ngay chính Hassan cho đến khi chết đi cũng không hề biết được thân phận thực sự của chính mình.

Cả Amir và Hassan đều là những con người lương thiện. Tuy nhiên, trong khi Hassan dũng cảm và trung thành thì Amir lại có phần hèn nhát và ích kỷ. Amir có một chút gì đó ghen tị trước sự quan tâm mà Baba đã dành cho Hassan. Có thể đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những lỗi lầm sau này của Amir.

Assef  là nhân vật phản diện đáng ghét nhất trong hết thảy cuốn truyện. Đây là con người đã gieo rắc hết bi kịch này đến bi kịch khác. Bản chất Assef  độc ác từ trong máu và chiến tranh đã làm cho cái ác ấy nhân lên gấp bội. 

Nhưng chính trong cái ác dường như quá hiển nhiên ấy ở Afghanistan, chúng ta mới thấy được phần tốt đẹp trong con người nhân vật Amir. Nếu như trong bi kịch đầu tiên Amir đã sai, hoàn toàn sai. Thì với bi kịch thứ hai, Amir đã không bỏ chạy và sẵn sàng đối mặt. Điều này giống như lời của chú Rahim đã từng nói: “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”.  

Qua người đua diều chúng ta thấy được đất nước Afghanistan trong quá khứ đã từng thanh bình đến nhường nào. Đối lập với đó là đất nước Afghanistan của hiện tại đầy đau thương, kiệt quệ bởi khói lửa chiến tranh. Và rằng trong thâm tâm mỗi chúng ta cũng đều hy vọng một tương lai tốt đẹp sẽ mở ra cho đất nước Afghanistan, cho những đứa trẻ đáng yêu như Sohrab. 

Tác giả Khaled Hosseini

Khaled Hosseini sinh ngày 4 tháng 3 năm 1965 tại thủ đô Kabul của Afghanistan. Ông là con cả trong một gia đình có bố là một quan chức ngoại giao và mẹ là giáo viên dạy tiếng Ba Tư tại một trường cấp 3 dành cho nữ sinh.

Năm 1973, Khaled Hosseini cùng gia đình chuyển đến Pháp và từ đó không bao giờ quay lại Afghanistan để định cư vì những bất ổn tại đất nước này. Năm 1980 gia đình Hosseini tìm đến sự bảo trợ của chính phủ Mỹ và rồi định cư ở California. Hosseini khi ấy 15 tuổi, không biết tiếng Anh và rơi vào tình trạng sốc văn hoá.

Trước khi trở thành một tiểu thuyết gia, Hosseini theo đuổi ngành dược. Ông lấy bằng tiến sĩ dược năm 1993 và hoạt động trong lĩnh vực này trong suốt hơn 10 năm. Bên cạnh đó, Hosseini còn đảm đương vai trò phái viên cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn và tham gia một số hoạt động thiện nguyện tại Afghanistan thông qua quỹ Khaled Hosseini. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể ra như là: Người đua diều (2003), Ngàn mặt trời rực rỡ (2008), Và rồi núi vọng (2013). 

 19 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang