Người Giàu Có Nhất Thành Babylon – Cách Để Trở Nên Giàu Có

13 phút đọc

Người giàu có nhất thành Babylon được viết bởi George S. Clason và công bố lần đầu vào năm 1926. Cuốn sách này được xây dựng dựa trên một loạt các bài viết xuất bản trên tạp chí Financial Success, do Clason viết trong thập kỷ 1920.

Đây có thể nói là cuốn thánh kinh về tài chính được yêu thích, đã giúp thay đổi cuộc đời của rất nhiều người trên toàn thế giới.

Bằng những câu chuyện ngụ ngôn lấy bối cảnh vương quốc Babylon thời cổ đại làm phông nền, “Người giàu có nhất thành Babylon” đã mang đến cho chúng ta những bài học sâu sắc về những nguyên lý bất biến trong tài chính.

nguoi giau co nhat thanh babylon anh bia

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Người giàu có nhất thành Babylon

Xuyên suốt cuốn sách hai chủ đề nổi bật nhất mà tác giả muốn nêu lên để bàn luận đó chính là “lao động” và “làm giàu”. Về cơ bản đây là hai yếu tố không thể tách rời. Chúng không những có thể giúp một cá nhân vươn lên để trở nên giàu có, mà rộng hơn là cả một quốc gia.

Dưới ngòi bút tinh tế, không khí của thành Babylon, vương quốc cổ xưa được xem như là đầu tiên trên thế giới đã được George Clason tái hiện hết sức sống động thông qua rất nhiều các tuyến nhân vật: từ nhà vua trị vì vương quốc, đến những người nô lệ mất hết tự do; từ những thương gia, những người đầu tư cho vay vàng đến những người làm công tự do: người đóng xe ngựa, người khắc chữ, người rèn giáo mác…

Mở đầu cuốn sách là cuộc đối thoại giữa Bansir, người đóng xe ngựa cùng với người bạn từ thuở nhỏ với anh là Kobbi – một nhạc sĩ. Kobbi tìm đến Bansir để vay chút tiền nhưng tình cảnh của Bansir thì cũng chẳng khá hơn Kobbi là bao. Dù đã lao động hết sức chăm chỉ nhưng cuộc sống của Bansir vẫn vô cùng chật vật.  

Cả Bansir lẫn Kobbi đều cho rằng, ngoài việc “lao động” chăm chỉ ra, dường như có một bí mật nào đó mà cả hai người cùng không biết, đã khiến cho cuộc sống của họ không thể nào sung túc được như những người giàu có khác ở vương quốc Babylon. Thế là Bansir cùng Kobbi rủ thêm một vài người bạn tìm đến Arkad – người giàu có nhất thành Babylon để hỏi về “bí quyết”.

Arkad tỏ ra là người rộng lượng khi không hề giấu giếm “bí quyết” cho riêng mình. Arkad kể lại rằng, trước đây khi còn là một thanh niên, ông từng làm nghề khắc chữ lên những tấm đất sét nung. Một lần tình cờ, Arkad gặp được một người cho vay vàng vô cùng giàu có tên là Algamish đến để khắc chữ. Nhờ thái độ thành khẩn và cầu tiến, Arkad đã được Algamish truyền cho bí quyết “làm giàu”. Bí quyết đó đơn giản chỉ gồm 3 nguyên tắc, đó là: tiết kiệm, đầu tư và tái đầu tư. 

Sau nhiều những va vấp ban đầu, nhờ kiên trì áp dụng ba nguyên tắc của Algamish mà cuối cùng Arkad cũng đã xây dựng nên được sản nghiệp cho riêng mình và trở nên giàu có. Hơn thế nữa Arkad còn được Algamish mời làm đối tác làm ăn chung và hứa sẽ chia cho Arkad một phần gia sản sau khi Algamish mất đi…

Khi nghe xong câu chuyện của Arkad, trong số những người ra về, có những người cảm thấy trong lòng đầy hồ nghi, ganh ghét, nhưng cũng có những người thấy trong lòng dường như được khai sáng…

Vua Sargon là vị vua anh minh của vương quốc Babylon bởi ông là một người luôn luôn biết lắng nghe. Khi Sargon hỏi về nguyên nhân dẫn đến sự kiệt quệ của quốc gia thì vị quan tể tướng đầu triều đã trả lời rằng, có hai nguyên nhân. 

Nguyên nhân thứ nhất, trước mắt người dân thành Babylon đang trong tình trạng thiếu công việc để làm. 

Và nguyên nhân thứ hai, sâu xa hơn, khi có vàng trong tay, bản thân họ cũng không có đủ sự khôn ngoan để có thể giữ được vàng trong túi của mình. Và số vàng này nhanh chóng rơi vào tay một số ít những người giàu có, có hiểu biết về vàng. Những người giàu có này kiếm vàng bằng con đường chân chính nên không thể nào tước đoạt vàng của họ để chia cho những người kém năng lực hơn được…

Vậy là vua Sargon cho gọi Arkad – người giàu có nhất thành Babylon vào triều với ý muốn phổ cập những hiểu biết về tiền bạc của Arkad cho tất cả mọi người dân thành Babylon, để từ đó tạo nên một vương quốc giàu mạnh. Và Arkad đã đồng ý.

Arkad thể hiện tầm nhìn của mình khi đưa ra một bản kế hoạch 7 bước giúp cho bất cứ ai cũng có thể thoát ra khỏi cảnh nghèo đói và ổn định tương lai nếu như người đó có ý chí. 7 bước đó bao gồm:

  1. Tích lũy theo tỉ lệ 1/10 nguồn thu nhập. Nói chung đây là một tỉ lệ hợp lý không quá cao cũng không quá thấp.
  2. Kiểm soát các khoản chi tiêu bằng cách liệt kê các món hàng muốn mua, sau đó chọn ra một vài món hàng thiết yếu cho vừa vặn với khoản 9/10 còn lại.
  3. Làm cho vàng sinh lợi bằng cách đưa vàng vào trong lưu thông nơi có các mối đầu tư tạo ra của cải.
  4. Giữ gìn tài sản bằng cách chỉ cho những người có khả năng trả nợ vay vàng
  5. Quyết tâm sở hữu một ngôi nhà bởi ngôi nhà là khoản chi phí lớn nhất của đời người
  6. Đảm bảo nguồn thu nhập lâu dài bằng cách cho vay lãi mẹ đẻ lãi con để khi về già vẫn đảm bảo được cuộc sống.
  7. Nâng cao khả năng kiếm tiền bằng cách trau dồi kỹ năng làm việc.

Tất nhiên 7 bước trên đủ để có thể biến một người từ nghèo đói trở nên sung túc. Tuy nhiên để có thể trở nên giàu có (đặc biệt giàu như Arkad – cả thành Babylon mới có một người) thì chừng ấy thôi là chưa đủ. Một người muốn trở nên thực sự giàu có thì cần phải có sự thông thái cần thiết để có thể nhìn ra cơ hội và nắm bắt cơ hội và đôi khi cũng phải biết chấp nhận mạo hiểm và rủi ro.

Sự thông thái nói chung thường chỉ có thể tìm thấy ở trường đời. Đó chính là lý do vì sao Arkad – người giàu có nhất thành Babylon không cho người con trai duy nhất của mình là Nomasir kế thừa ngay gia sản của mình.

Ông cho Nomasir 1 túi vàng và 1 tấm đất sét nung khắc 5 quy luật của vàng (là những hướng dẫn khôn ngoan) để Nomasir phải tự thân lập nghiệp. Rõ ràng trong trường hợp này, Người giàu có nhất thành Babylon đã hoàn toàn có lý…

Ở đây kinh nghiệm của việc đầu tư vàng được đúc kết lại thành 5 quy luật khôn ngoan, chúng bao gồm:

  1.  Tiền đến với người nào biết để dành.
  2.  Tiền sinh sôi nảy nở với ai biết đầu tư nó.
  3.  Tiền ở lại với người biết ủy thác nó cho người khôn ngoan.
  4.  Tiền bị mất đi khi đầu tư vào những thứ mà bạn không am hiểu.
  5.  Tiền mất đi nhanh chóng theo kế hoạch làm giàu nhanh.

Tiếp theo cuộc hội thoại giữa Rodan – người rèn giáo mác và Mathon – người cho vay vàng ở vương quốc Babylon cũng là một chương đáng chú ý. George S. Clason đã khéo léo truyền tải thông điệp của mình qua câu chuyện ngụ ngôn giữa con lừa và con bò.

Câu chuyện đại khái thế này. Có một con lừa và một con bò là bạn của nhau. Bò than nó phải kéo cày cả ngày mệt quá. Lừa dù phải vất vả chở đồ nặng nhưng cũng hiến kế cho bò là hãy giả vờ ốm. Sáng hôm sau bò giả vờ ốm và được nghỉ cày thật. Còn lừa thì phải đi cày thế chỗ của bò. Tối hôm đó, hai con vật cãi nhau và từ đó chúng không còn chơi với nhau nữa.

Thông điệp của câu chuyện là gì? Đó là nếu chúng ta muốn giúp ai đó thì tốt hơn hết chúng ta cũng đừng nên đẩy gánh nặng của người khác lên đôi vai của chúng ta. Ý nghĩa của câu chuyện này giúp chúng ta khi cho vay hay đầu tư cần tránh xa nợ xấu. Bởi khi tạo ra nợ xấu thì chẳng có ai có lợi ở đây cả.

Tác giả George S. Clason

George Samuel Clason sinh năm 1874 tại Louisiana, Missouri, Hoa Kỳ. Ông là con trai của Samuel Clason và Sarah Clason. George được nuôi dạy trong một gia đình trung lưu và có điều kiện. Sau khi tốt nghiệp trường trung học, ông tiếp tục học tại trường đại học và tốt nghiệp loại giỏi.

Ban đầu, Clason có ý định trở thành luật sư và theo học khoa luật. Sau khi hoàn thành khóa học luật, ông bắt đầu làm việc trong lĩnh vực luật pháp và đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận ra rằng niềm đam mê thực sự của mình không phải là luật pháp mà là viết lách và tài chính.

Vào những năm 1920, George S. Clason bắt đầu viết các bài viết về tài chính cá nhân trên tạp chí Financial Success. Những bài viết này thu hút sự chú ý và phản hồi tích cực từ độc giả. Clason đã tổng hợp và biên tập lại các bài viết của mình thành một cuốn sách mang tên “Người giàu có nhất thành Babylon,” xuất bản lần đầu vào năm 1926.

 8 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang