Ông già và biển cả là một tác phẩm văn học xuất sắc của nhà văn Ernest Hemingway được viết theo lối mà chính tác giả Hemingway gọi là nguyên lý tảng băng trôi, bao gồm 2 phần nổi và 8 phần chìm. Tức là sẽ có những thông điệp tác giả đưa vào nhưng không trực tiếp nói ra mà để cho người đọc phải tự suy ngẫm.
Ông già và biển cả được viết tại Cuba năm 1951, đạt giải thưởng văn chương Pulitzer của Mỹ năm 1953, tiếp đó là giải thưởng Nobel văn học năm 1954.
Đây là một cuốn sách tuy không dài, khoảng hơn một trăm trang giấy thôi, nhưng lại là một cuốn sách có sức ảnh hưởng rất lớn trong thế kỷ XX.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : Ông già và biển cả
Xuyên suốt tác phẩm “Ông già và biển cả” là hành trình 3 ngày 2 đêm của ông lão Santiago để bắt một con cá kiếm khổng lồ và dũng mãnh, và sau đó là đương đầu với đàn cá mập hung dữ. Trong suốt quá trình tưởng chừng như bất tận ấy, những phẩm chất của ông lão Santiago được biểu hiện.
Ngay từ tựa đề của cuốn sách “ông già và biển cả”, Hemingway đã phần nào cho chúng ta thấy được kết cấu của câu chuyện. Đó, về cơ bản là cuộc đối đầu đầy cam go giữa con người với tự nhiên. Một bên lực lượng là ông lão Santiago già nua nhưng đầy sức sống. Bên còn lại là biển cả mênh mông, dữ tợn đầy hiểm nguy rình rập. Chữ “và” ở đây mang hàm ý về sự bình đẳng, con người với tự nhiên là ngang hàng.
Bằng giọng văn dung dị, đời thường, lối miêu tả đặc sắc đầy sinh động, Ernest Hemingway đã khắc hoạ nên hình tượng lão ngư dân Santiago, một con người kiên định mà hài hoà, bình thường nhưng không hề tầm thường.
Những phẩm chất của ông lão Santiago trong tác phẩm ông già và biển cả mà chúng ta có thể kể ra ở đây, đó là:
#1 Santiago là một người đàn ông sống tình cảm. Ông là một ông lão ngư dân nghèo có những thói quen hết sức bình dị. Tất nhiên, như mọi người sống trong xóm chài khác, ông cũng yêu biển. Dù cho biển giống như những người phụ nữ, đã từng nhiều lần đối xử không tốt với ông.
#2 Trong con người ông lão Santiago dường như có một niềm tin mãnh liệt vào chính bản thân mình. Những người trong xóm chài dường như không còn tin là ông còn có thể ra khơi được nữa. Bởi ông đã quá già. Hơn nữa đã 84 ngày liên tục ông ra khơi mà không bắt được bất cứ thứ gì.
Cơ thể ông đã già nua, nhiều vết sứt sẹo. Nhưng đôi mắt thì vẫn còn tinh anh. Và điều đặc biệt nhất, đó có lẽ là việc cậu bé Manolin vẫn luôn luôn đặt niềm tin nơi ông.
#3 Santiago luôn luôn tích cực, chủ động trong mọi hoàn cảnh. Không giống như các tay câu cá khác, ông lão giữ sợi dây câu cho thật thẳng, để ở mỗi độ sâu trong vùng nước đen sẽ có một con mồi đợi đúng ngay ở đấy. Ông lão nghĩ: “Mỗi ngày là một ngày mới. Gặp may thì tốt hơn. Nhưng mình ưa sự chính xác. Để khi vận may đến thì mình đã sẵn sàng.”
#4 Khi có một con cá kiếm dính mồi, đó là lúc đức tính kiên nhẫn của ông lão Santiago có cơ hội được thể hiện ra bên ngoài. Con cá kiếm khổng lồ kéo ông ra giữa biển khơi mênh mông và vô định. Trong suốt quá trình vần vũ với con cá kiếm, ông lão Santiago phải đối đầu với rất nhiều khó khăn.
Đầu tiên, để đối phó với những nỗi cô đơn, ông lão Santiago đã tìm cách nói chuyện với các sinh vật biển hay là tự sự với chính mình.
Tiếp theo, để chiến thắng sức kéo của con cá kiếm, ông lão đã phải dùng rất nhiều sức lực. Điều này làm cho cơ thể ông cảm thấy bị đau rất nhiều. Thêm nữa những cơn buồn ngủ cũng khiến cho ông xao lãng. Nhưng nhờ tính kỷ luật, ông lão Santiago đã vượt qua được tất cả.
Và cuối cùng, kết quả mà ông lão nhận được thật mĩ mãn. Con cá kiếm đã phải chịu khuất phục trước ý chí kiên cường của Santiago. Con cá thật đẹp, là con cá đẹp nhất trong sự nghiệp đánh cá của ông. Và có một điều lạ lùng ở đây, đó là, chỉ khi ở vào cái tuổi mà người ta gọi là gần đất xa trời, ông lão mới biến những ước mơ lớn lao trong đời mình thành hiện thực.
#5 Tuy nhiên niềm vui ấy chẳng kéo dài bao lâu. Khi mà lũ cá mập ngửi thấy mùi tanh của máu đã lần lượt kéo đến để chia phần. Rõ ràng ở đây, ông lão đã quá mệt mỏi, vật lực trên thuyền cũng không còn nhiều, ông lão hoàn toàn có thể cắt đứt dây buộc con cá kiếm để cho lũ cá mập rỉa rói và giữ cho bản thân được an toàn. Nhưng ông đã không làm thế. Ông lão đã chiến đấu đến cùng với lòng can trường bất khuất. Để khi trở về chỉ còn trơ lại bộ xương cá kiếm.
#6 Vậy trong Ông già và biển cả, cuối cùng, ông lão Santiago là người thành công hay thất bại? Có lẽ cả hai, thất bại về vật chất nhưng thành công về tinh thần. Ông lão Santiago đã 3 lần mơ về đàn sư tử trong giấc mơ của mình. Một lần trước lúc ra khơi, một lần khi ở trên thuyền và lần cuối khi lão đã trở về túp lều… Đó có lẽ là khát vọng dẫn lối khiến ông lão vượt lên chính mình để tạo nên kỳ tích.
Về cơ bản, Ông già và biển cả, không hẳn chỉ nói về một ông lão Santiago cụ thể nào đó, mà rộng hơn là con người nói chung trong công cuộc chinh phục thế giới, như thông điệp đến từ Hemingway: “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”
Tác giả Ernest Hemingway
Ernest Miller Hemingway sinh năm 1899 tại Oak Park, Illionis, một vùng ngoại ô của Chicago. Ông lớn lên trong một gia đình tầng lớp trung lưu. Bố của Hemingway là một nhà giáo dục, mẹ là một nghệ sĩ piano và có thời gian dài là giáo viên âm nhạc.
Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, Hemingway đã có một quãng thời gian tham gia thế chiến I với vai trò cứu thương và sau đó là công việc làm báo. Những công việc này đã mang đến cho ông rất nhiều những trải nghiệm. Những trải nghiệm đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm văn học sau này của Hemingway.
Phong cách viết trực tiếp của Hemingway là một sự khác biệt so với văn phong dài dòng và hoa mỹ của những nhà văn tiền bối, và nó trở thành điểm nhấn đặc trưng của ông. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm: Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả, Giã từ vũ khí, Hội hè miền man..
34 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...