Phương Pháp Đọc Sách Hiệu Quả – Muốn Đi Xa Cần Có Lộ Trình

Phương pháp đọc sách hiệu quả là một cuốn sách kinh điển giúp người đọc có được một bộ những quy tắc đúng đắn để có thể tự mình “tiêu hoá” một cuốn sách bất kỳ.

Khi nghĩ về kỹ năng đọc, có thể nhiều người sẽ cho rằng, chỉ cần biết mặt chữ thì việc đọc bất cứ cuốn sách nào cũng đều sẽ trở nên dễ dàng. Nhưng kỳ thực không phải thế. Vấn đề ở đây là ở chỗ, mục đích đọc sách của chúng ta là gì?, là để giải trí hay là để tăng thêm vốn hiểu biết?

Cuốn sách được viết bởi Mortimer Adler một triết gia người Mỹ. Thông qua cuốn sách, Mortimer Adler chỉ cho chúng ta cách tiếp cận một cách “chủ động” đối với những cuốn sách có nội dung khó. Giúp chúng ta đi từ hiểu biết ít sang hiểu biết nhiều, từ hiểu biết nhiều sang hiểu toàn bộ, và từ hiểu toàn bộ đi vào kinh nghiệm sống của mỗi người chúng ta… Từ đó chúng ta không những có thêm hiểu biết mà còn nhớ được rất lâu những gì mà chúng ta từng đọc.

phuong phap doc sach hieu qua anh bia

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : “phương pháp đọc sách hiệu quả”

Xuyên suốt cuốn sách, để giải quyết sự chênh lệch về nhận thức giữa kinh nghiệm sống của người đọc với những vấn đề mà tác giả đề cập đến trong mỗi một cuốn sách, Mortimer Adler đã nêu lên 4 cấp độ đọc, mà những cấp độ dưới là tiền đề để có thể tiếp tục với những cấp độ trên.

4 cấp độ đó bao gồm: cấp độ 1, đọc sơ cấp (hiểu mặt chữ của các từ cơ bản); cấp độ 2, đọc kiểm soát (hiểu sơ bộ về nội dung của cuốn sách; cấp độ 3, đọc phân tích (hiểu sâu sắc nội dung cuốn sách); cấp độ 4, đọc đồng chủ đề (liên hệ với các cuốn sách khác cùng chủ đề).

Nói chung, những quy tắc mà Mortimer Adler đề ra có tính hệ thống và khoa học, có thể áp dụng được với đa phần các cuốn sách trong thực tiễn. Tuy nhiên cũng có những cuốn sách mà việc áp dụng những quy tắc này lại trở nên vô cùng khó khăn và cần phải có sự đầu tư về mặt thời gian cũng như những nguồn lực từ bên ngoài.

Đó có thể là: một cuốn sách có ý tưởng tốt nhưng lối diễn đạt tối nghĩa, một cuốn sách có cấu trúc thiếu đi sự nhất quán giữa các phần, một cuốn sách có hàm lượng thông tin lớn mà để có thể hiểu mỗi thuật ngữ ở trong cuốn sách đó, chúng ta phải truy về nguồn của rất nhiều tài liệu phức tạp, hay là một cuốn sách đa nghĩa mà người đọc có thể hiểu theo bất cứ nghĩa nào cũng được…

[ bàn về nội dung ]

Ngày nay khi công nghệ phát triển, con người có nhiều phương tiện để tiếp cận thông tin, nhưng đọc sách vẫn là một trong những kênh thông tin vô cùng quan trọng. Bởi việc đọc sách đòi hỏi chúng ta phải vận dụng rất nhiều kỹ năng như: óc quan sát, trí nhớ, trí tưởng tượng, óc phân tích… Để có thể nâng việc đọc lên một tầm cao mới, Mortimer Adler đã đề ra 4 cấp độ đọc.

Cấp độ 1, đọc sơ cấp. Ở cấp độ này người đọc phải tích lũy được một số vốn từ thông dụng nhất định. Để khi xuất hiện một từ mới, người đọc có thể giải nghĩa nó trên cơ sở của vốn từ thông dụng ban đầu. Ở cấp độ này, về cơ bản người đọc có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi: “câu đó ý nói gì” ở mức độ cơ bản nhất.

Cấp độ 2, đọc kiểm soát. Ở cấp độ này người đọc phải cố gắng hiểu nội dung của cuốn sách, càng nhiều càng tốt trong một khoảng thời gian nhất định. Trong cấp độ 2 này có hai kỹ thuật đọc kiểm soát:

Thứ nhất, đọc lướt có hệ thống. Đây được xem là bước khởi động để có được cái nhìn tổng quan về cuốn sách. Các công việc cần làm ở công đoạn này bao gồm: đọc tiêu đề, đọc trang giới thiệu, đọc mục lục, đọc liên tục một vài đoạn trong cuốn sách mà người đọc cho rằng đó là những đoạn quan trọng.

Thứ hai, đọc bề mặt. Ở bước này người đọc cần đọc một mạch, không dừng lại ở bất cứ chỗ nào, kể cả những chỗ người đọc chưa kịp hiểu hết. Vừa đọc, vừa sẵn sàng ghi chú lại những chi tiết có thể trả lời cho các câu hỏi quan trọng như: Đây là loại sách gì? Toàn bộ cuốn sách nói về điều gì? Cấu trúc của cuốn sách ra sao?

Cấp độ 3, đọc phân tích. Ở cấp độ này người đọc không giới hạn về thời gian đọc với mục tiêu là hiểu toàn bộ cuốn sách. Điều này đòi hỏi người đọc phải bắt đầu từ cấu trúc của cuốn sách rồi đi tới lần lượt từng chương mục để phân tích các đoạn văn cụ thể.

Bước thứ nhất, người đọc cần tìm ra những thuật ngữ là những từ quan trọng trong đoạn văn, và cố gắng hiểu chính xác ý mà tác giả muốn đề cập đến. 

Bước thứ hai, người đọc phải tìm ra được câu then chốt cho cả đoạn văn, đánh dấu và tìm ra nhận định ẩn chứa trong đó, sau đó, nếu được, hãy tóm tắt lại bằng một câu ngắn gọn theo ý hiểu của bản thân. 

Bước thứ ba, người đọc cần tìm ra những lập luận cơ bản dựa trên mối liên hệ giữa các câu khác nhau trong đoạn văn. Mỗi lập luận đều bắt đầu từ một xuất phát điểm, có thể là một giả định hoặc một tiên đề.

Bước thứ tư, người đọc tổng hợp các đoạn văn đã phân tích lại với nhau, để cuối cùng tìm ra vấn đề chính yếu mà tác giả đề cập đến, sau đó, nếu được, có thể đưa ra đánh giá của bản thân về cách giải quyết vấn đề của tác giả: chỗ nào được, chỗ nào chưa được và vì sao?

Cấp độ 4, đọc đồng chủ đề. Đây là cấp độ đọc cao nhất, là cấp độ mà người đọc đã có thể hiểu toàn bộ vấn đề mà tác giả đề cập đến trong cuốn sách và muốn đào sâu hơn nữa thông qua góc nhìn của những tác giả khác nhau. 

Tuy nhiên ở đây có một khó khăn, đó là cùng bàn luận về một vấn đề, nhưng ở các tác giả khác nhau, hệ thống thuật ngữ lại khác nhau. Đó là lý do tại sao người đọc cần phải xây dựng một hệ thống thuật ngữ cho riêng mình để những nhận định của các tác giả khác nhau có thể quy về một mối.

Tác giả Mortimer Adler 

Mortimer Adler sinh ngày 28 tháng 12 năm 1902 tại New York, Hoa Kỳ. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được gia đình khuyến khích đọc rất nhiều sách đặc biệt là các tác phẩm kinh điển. Đến tuổi trưởng thành, ông theo học tại đại học Columbia. Tại đây ông được truyền cảm hứng về niềm đam mê đối với triết học, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến từ Aristotle và Thomas Aquinas. Và cũng trong thời gian này những tư tưởng sâu sắc của ông cũng bắt đầu được hình thành. 

Suốt cuộc đời, Mortimer Adler đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là phương pháp đọc sách và tư duy phê phán. Adler cũng là một trong những người sáng lập dự án “Great Books”, một bộ sách kinh điển nhằm giúp con người tiếp cận những tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại.

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể ra như là: phương pháp đọc sách hiệu quả, những tư tưởng vĩ đại, chỉ dẫn về những tư tưởng vĩ đại, một nhà triết học tự do… Mortimer mất ngày 28 tháng 6 năm 2001.

 350 lượt đọc
85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang