Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải là cuốn sách viết về thế giới quan dưới góc nhìn khác thường của một số thiểu số những người bị xã hội gắn cho cái mác là tâm thần.
Cuốn sách được viết bởi Cao Minh, một nhà văn người Trung Quốc, khi ông này đã dày công suốt hơn 4 năm tiếp xúc và ghi lại những suy nghĩ nơi thế giới bên trong của những người bị mắc bệnh. Điều kỳ lạ ở đây là ở chỗ, sau những lần gặp gỡ như thế, dường như quan niệm của Cao Minh về việc thế nào là một người bị mắc bệnh “tâm thần” cũng bắt đầu lung lay.
Những cuộc trò chuyện được ghi âm trực tiếp nên những thông tin mà cuốn sách mang lại có thể nói là trung thực và khách quan. Tuy nhiên những vấn đề được đề cập đến trong cuốn sách đa phần là khá “thần bí”, khoa học chưa thể chứng minh cũng như chưa thể bác bỏ. Thế nên những ý kiến khác nhau, thậm chí là đối nghịch về những ý tưởng trong cuốn sách là điều không thể tránh khỏi.
[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ]: “thiên tài bên trái kẻ điên bên phải”
Xuyên suốt cuốn sách, Cao Minh đã đề cập đến khoảng trên dưới 50 ca bệnh án. Các ý tưởng của người bệnh đưa ra, về cơ bản chưa được sâu sắc và không có được sự liền mạch. Điều này làm cho cuốn sách có vẻ như loãng và khó tóm tắt được ý chính. Tuy nhiên khi thay đổi cách tiếp cận bằng phương thức đặt ra các câu hỏi thì mọi thứ dường như trở nên rất dễ dàng để nắm bắt. Các câu hỏi sau khi đọc xong cuốn sách có thể kể ra như:
#1 Dạng thức gì tồn tại trong cơ thể và đang điều khiển suy nghĩ, hành vi con người chúng ta? Tri giác của con người chúng ta về thế giới vật chất bên ngoài, liệu có phải tất cả đều giống nhau?
#2 Vai trò của mỗi con người trong xã hội là như thế nào? Nếu đều phải chết thì chúng ta sinh ra để làm gì? Liệu một mục đích sống khác biệt với số đông có đáng được chấp nhận? Hay là có tồn tại hay chăng một thuyết âm mưu của một nhóm những người này trong xã hội với khả năng kỳ dị, đang thao túng một nhóm những người khác trong xã hội?
#3 Thế giới bên ngoài xã hội loài người như thế nào? Nó có tri giác và có thể thông minh giống như con người chúng ta không? Và nếu có thì liệu, nó nghĩ gì về con người chúng ta, liệu chúng ta đang áp đặt lên nó hay ngược lại nó đang áp đặt lên chúng ta?
#4 Liệu có hay không những thế giới tồn tại song song với thế giới vật chất chúng ta đang sống mà các tri giác của chúng ta không thể nhận biết hay không?…
Lối viết của Cao Minh thì không có điều gì đáng phải bàn ở đây cả, bởi cả cuốn sách, đơn thuần chỉ là các đoạn hội thoại. Nhưng để có được những đoạn hội thoại đó thì đòi hỏi tác giả phải có được đức tính kiên nhẫn, một khả năng ăn nói khéo léo để dẫn dắt vấn đề và tất nhiên một thứ không thể thiếu, đó chính là kiến thức.
nội dung
Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải, ngay từ tiêu đề đã cho chúng ta cảm giác đây không hẳn là một lời khẳng định, mà đơn thuần chỉ là một câu hỏi kiểu dạng tu từ về sự tự nhận thức?! Kiểu như: nếu anh nghĩ anh là thiên tài, hãy đứng về bên trái, còn nếu anh nghĩ anh là kẻ điên, hãy đứng về bên phải.
Con người chúng ta, nói chung, không nhất thiết là thiên tài hay kẻ điên, dù ít hay nhiều cũng đều sống trong cái lồng kinh nghiệm của chính mình và thường cho rằng những điều mình biết là đúng, trong khi những vốn hiểu biết đến từ những người có suy nghĩ khác với mình là sai.
Thiên tài là gì? Kẻ điên là gì? Hai danh xưng này kỳ thực rất khó để có thể phân biệt một cách rõ ràng. Thiên tài và kẻ điên giống nhau ở chỗ, họ đều là những người có những ý tưởng kỳ quặc, khác biệt so với đám đông. Nhưng sự khác nhau giữa hai nhóm người này là ở chỗ: thiên tài thì chứng minh được những ý tưởng của mình là đúng, còn kẻ điên thì không.
Thế nhưng bất cứ sự chứng minh nào thì cũng vẫn sẽ có những giới hạn nhất định, bởi những hiểu biết của con người là hạn hẹp và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dần dần. Cái hôm nay được xem là đúng thì chưa chắc ngày mai, nó vẫn sẽ còn được xem là đúng, bởi chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ chỉ là tương đối. Và như vậy ranh giới giữa thiên tài và kẻ điên là rất mong manh.
Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải, vậy ở giữa là gì? Ở giữa là những người bình thường, những người không nghĩ ngợi quá nhiều và sống trong ranh giới của vùng an toàn.
Thiên tài được mọi người công nhận. Đời sống của thiên tài bị mất đi sự riêng tư. Thiên tài phải sống trong áp lực kỳ vọng của những người xung quanh. Kẻ điên bị mọi người bác bỏ. Đời sống của kẻ điên cô đơn và lạc lõng. Kẻ điên luôn sống trong áp lực phải chứng tỏ chính mình. Suy cho cùng, chỉ những người bình thường mới là những người sung sướng nhất. Điều này có thể thấy rõ qua bộ phim “A beautiful mind”…
Tác giả Cao Minh
Cao Minh sinh năm 1974 tại Bắc Kinh, là một nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc. Tuy là tác giả của nhiều đầu sách bán chạy nhưng ông chưa từng tốt nghiệp đại học.
Cao Minh tự nhận mình là một người có lối sống cô độc. Ngay từ thuở còn ấu thơ ông đã đã là một người ham thích khám phá. Với mỗi điều được thấy, ông đều muốn cắt nghĩa lý do “tại sao” điều đó lại xảy ra. Đến tuổi trưởng thành, Cao Minh bị ám ảnh bởi tôn giáo, triết học, vật lý lượng tử, động lực học phi tuyến, tâm lý học, sinh học, vật lý thiên văn và các môn học khác.
Năm 2010, ông xuất bản cuốn sách “Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải”. Năm 2011, ông xuất bản cuốn “Mọi người đều có thể mơ”, tập trung khám phá những bí ẩn tâm lý của những giấc mơ. Năm 2012, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết tâm lý “Ký ức giết người”. Năm 2013 “Sổ tay nhà thôi miên” mùa thứ nhất được ra mắt. Tháng 12/2015, “Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải” (Full Version) được ra mắt sau 5 năm làm mưa làm gió, nay quay trở lại với 10 chương mới chưa từng được công bố. Năm 2018, mùa thứ hai của “Sổ tay nhà thôi miên” được phát hành.
57 lượt đọcBài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn
Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...