Vật Lý Thiên Văn Cho Người Vội Vã – Vở Kịch Về Không Thời Gian

12 phút đọc

Vật lý thiên văn cho người vội vã là cuốn sách viết về chủ đề thiên văn học, là những vấn đề vô cùng vĩ mô khi con người hướng lên bầu trời xa xăm và tự đặt ra câu hỏi: trên đó, điều gì đã và đang thực sự diễn ra? 

Tất cả các câu trả lời (dù là tạm thời) được con người cắt nghĩa và suy diễn bằng các học thuyết vật lý về bản chất vạn vật, do con người “tưởng tượng” ra dựa trên những gì đo đạc, quan sát được ở trên hành tinh trái đất. Các học thuyết vật lý được chấp nhận bởi nó giải thích được rất nhiều những hiện tượng phổ quát của tự nhiên. Nhưng về cơ bản, cho đến nay các học thuyết vẫn chưa đạt đến sự thống nhất.

Cuốn sách được viết bởi nhà vật lý thiên văn Neil Tyson. Dù tác giả đặt tiêu đề một cách đầy hài hước, đây là cuốn sách dành cho đối tượng “người vội vã” nhưng vội vã thiếu căn bản thì không thể đọc được cuốn sách này đâu. Bởi thế giới bên ngoài con người vốn phức tạp, muốn hiểu được thì đòi hỏi chúng ta cần phải có tư duy về “mô hình” và những kiến thức nền tảng thiết yếu. 

vat ly thien van cho nguoi voi va anh bia
Năm XB2018
Trọng lượng (gr)200
Kích Thước Bao Bì14 x 20.5 x 0.9
Số trang182
Hình thứcBìa Mềm

[ điểm cốt lõi ở trong tác phẩm ] : “vật lý thiên văn cho người vội vã” 

Xuyên suốt cuốn sách tác giả trình bày về sự hình thành của vũ trụ. Vũ trụ theo như học thuyết Big Bang bắt đầu từ một chất điểm nóng và đặc nơi mà các định luật vật lý không hề khả dụng, được gọi là điểm kỳ dị. 

Sau vụ nổ Big Bang, không thời gian được hình thành, vũ trụ không ngừng giãn nở về mọi hướng đồng thời với đó, 4 lực cơ bản bao gồm: lực hấp dẫn, lực hạt nhân mạnh, lực hạt nhân yếu, lực điện từ dần dần tách ra và khả dụng. Nhiệt độ vũ trụ bắt đầu giảm. Đó là những điều kiện thuận lợi để các dạng cấu trúc của vật chất được hình thành. 

Cuốn sách bao gồm 11 chương, gói gọn trong chưa tới 200 trang sách, được viết theo lối tinh giản khi đã cố gắng mềm hoá các khái niệm. Nó, về cơ bản là một cái khung tương đối đầy đủ có thể giúp người đọc từng bước tiếp cận các vấn đề về vật lý thiên văn học.

[ bàn về nội dung ]

#1 Thời kỳ kì dị thời gian ở 0 giây. Là thời kỳ mà mật độ năng lượng là vô hạn, trong khi không thời gian vô cùng nhỏ. Đây là thời điểm mà các nhà vật lý chưa thể mô tả được bằng những định luật vật lý hiện tại.  

#2 Kỷ nguyên Planck thời gian từ 0 giây đến \(10^{-43}\) giây. Là giai đoạn rất sớm của vũ trụ, xảy ra sau vụ nổ Big Bang. Kích thước vũ trụ khi ấy vô cùng nhỏ cỡ khoảng \(10^{-35}\) m, trong khi năng lượng lại vô cùng lớn (là năng lượng Planck). Tại thời điểm này 4 lực cơ bản có thể đã hợp nhất thành một lực duy nhất. 

#3 Thời kỳ lạm phát thời gian từ \(10^{-36}\) giây đến \(10^{-32}\) giây. Một trường đặc biệt gọi là trường lạm phát làm cho không gian nở ra theo cấp số mũ. Trong khoảng thời gian ngắn kích thước vũ trụ đã tăng lên gấp cả tỉ tỉ lần và nhiệt độ vũ trụ cực nóng đồng đều về mọi hướng.

Trong quá trình mở rộng, năng lượng của trường lạm phát chuyển hoá thành các hạt cơ bản. Điều này làm tốc độ giãn nở của vũ trụ giảm dần. Ở thời kỳ này, lực hấp dẫn bắt đầu tách ra, còn 3 lực còn lại vẫn thống nhất thành một lực duy nhất (gọi là lực đại thống nhất).

#4 Thời kỳ Quark Gluon thời gian từ \(10^{-6}\) giây đến \(10^{-4}\) giây. Ở thời kỳ này nhiệt độ của vũ trụ cực kỳ cao, trên hai nghìn tỷ độ Kelvin khiến các hạt Quark (gồm 6 loại hạt) và Gluon (hạt mang lực hạt nhân mạnh) tồn tại dưới dạng Plasma tự do. Khi nhiệt độ vũ trụ giảm xuống Quark và Gluon không bền kết hợp với nhau tạo ra Proton và Neutron.

#5 Thời kỳ hạt nhân hoá thời gian từ 1 giây đến 3 phút. Nhiệt độ vũ trụ tiếp tục giảm khiến các Proton và Neutron kết hợp với nhau tạo thành hạt nhân của các nguyên tố nhẹ ổn định là: Hydro, Heli, Liti. Sau khi nhiệt độ vũ trụ giảm xuống đến ngưỡng nhất định, quá trình tổng hợp hạt nhân dừng lại.

#6 Thời kỳ tối thời gian từ 380.000 năm. Đây là giai đoạn mà nhiệt độ vũ trụ giảm xuống đến mức các electron có thể kết hợp với hạt nhân để tạo ra các nguyên tố trung tính, chủ yếu là Hydro. Sau quá trình tái hợp này, các Photon thoát ra đã tạo nên bức xạ nền vi sóng vũ trụ (CMB) truyền đi tự do trong không gian. 

#7 Thời kỳ tái ion hoá thời gian từ 400 triệu năm đến 1 tỷ năm. Các đám mây Hydro bị sụp đổ dưới tác dụng của lực hấp dẫn tạo thành các sao và những thiên hà đầu tiên, phát ra ánh sáng có năng lượng đủ mạnh để làm khí Hydro trung tính xung quanh mất electron trở nên ion hoá. Các bong bóng ion hóa mở rộng và hợp lại, tái ion hoá khắp vũ trụ khiến ánh sáng có thể truyền đi được rất xa mà không bị hấp thụ.

#8 Hình thành thiên hà và sao thời gian từ 1 tỷ năm. Sau thời kỳ ion hoá, mật độ vật chất tại các khu vực khác nhau trở nên không đồng đều. Những khu vực có mật độ vật chất đậm đặc nhờ tác động của lực hấp dẫn sẽ hút được nhiều vật chất hơn và phát triển thành các cấu trúc lớn hơn như cụm thiên hà hay siêu cụm thiên hà.

Sau đó các thiên hà có thể va vào nhau để tạo thành những thiên hà mới với hình dạng ít nhiều thay đổi. Ở trong các thiên hà liên tục xảy ra sự tiến hoá của các ngôi sao. Các quá trình này sinh ra nhiệt, ánh sáng và tổng hợp nên những nguyên tố khác nhau cho thiên hà. 

Vũ trụ hiện tại thời gian đã 13,8 tỷ năm, vẫn tiếp tục giãn nở do sự tác động của năng lượng tối. Các nhà vật lý đang sử dụng kính viễn vọng và các công cụ hiện đại để tiếp tục nghiên cứu về vũ trụ. 

Nói chung, vật lý thiên văn là những vấn đề khó. Thậm chí có những câu hỏi dù đơn giản nhưng ngay cả đến các chuyên gia đôi khi cũng không trả lời được. Vậy nên việc hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ âu cũng là chuyện thường tình. Đọc xong cuốn sách, sau khi gấp sách lại thì dư âm chung là cảm giác: “con người thật nhỏ bé, cả về không gian lẫn thời gian giữa một vũ trụ vô cùng và vô tận…”

Tác giả Neil Tyson 

Neil Tyson tên đầy đủ là Neil de Grass Tyson. Ông sinh ngày 5 tháng 10 năm 1958 tại New York. Là một nhà vật lý thiên văn và tác giả vũ trụ học thường thức người Mỹ. Từ năm 9 tuổi Tyson đã bắt đầu có niềm đam mê với thiên văn học, khi một lần tình cờ, ông có dịp được ghé thăm trạm thiên văn học Hayden. 

Năm 1980 ông hoàn thành bằng cử nhân vật lý tại đại học Harvard. Năm 1983 ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ thiên văn học tại đại học Texas. Sau đó là bằng thạc sĩ (1989) và tiến sĩ (1991) về vật lý thiên văn học tại đại học Columbia. Trong 3 năm tiếp theo, Tyson là cộng tác viên nghiên cứu tại đại học Princeton. Từ năm 1994 đến nay Neil Tyson nắm giữ nhiều vị trí quan trọng ở trạm Hayden. 

Tyson nổi tiếng với nhiều tựa sách bán chạy như: Astrophysics for people in a hungry, The Pluto Files. Bên cạnh đó ông cũng tổ chức rất nhiều các chương trình nổi tiếng như: Cosmos: A space time Odyssey và NOVA ScienceNow. Với sự tham gia và đóng góp đầy tích cực, Tyson từng nhận được nhiều giải thưởng bao gồm: Nasa distinguished Public Service Medal của cơ quan không gian quốc gia Hoa Kỳ và Public Welfare Medal của viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ.

 176 lượt đọc
Nhận Bản Tin

Bài viết mới sẽ tự động gửi vào trong email của bạn

85f4cfd3d67973a3ccbd7b0d5bde7fba?s=120&d=mp&r=g

Victor là thợ đánh giá sách. Anh ấy là một người đọc cần mẫn. Giống như mọi người, trí nhớ và trực giác của anh ấy đôi khi cũng có thể sai lầm?! Hãy thông cảm cho anh ấy vì điều này...

0 0 bình chọn
Đánh Giá
Theo dõi
Thông báo khi
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Lối tắt đi đến khu vực bình luậnx
Lên đầu trang